“Uṭṭhānenappamādena, Saññamena damena ca; Dīpaṃ kayirātha medhāvī, Yaṃ ogho nābhikīratīti”. | Nỗ lực, không phóng dật, Tự điều, khéo chế ngự. Bậc trí xây hòn đảo, Nước lụt khó ngập tràn. |
Kệ Pháp Cú (25) nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự an tại Veḷuvana, đề
cập đến Đại đức Cūḷapanthaka.
Tương truyền rằng: Thời ấy, trong thành Rājagaha, có một tiểu thơ con nhà phú
Trưởng giả Dhanaseṭṭhi (Tài Bạch) đến tuổi cặp kê, tiểu thư được song thân cho ở
tầng lầu thứ bảy không cho ra khỏi cửa khuê phòng, thật là:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm, bặt đường chim xanh.
Tuy nhiên, con gái đến tuổi dậy thì, tình xuân phát động, tiểu thư không dằn lòng
giữ thói nhà băng tuyết, nên đã trà trộm lịnh mẹ cha mà tư thông với một gia đinh, sợ
việc đổ bể lậu tiếng ra ngoài, Tiểu thư bàn với tình nhân: “Chúng mình ở đây mãi
không thể được, nếu cha mẹ em biết việc em tác tệ chắc là song thân phải phân thây
em ra. Vậy chúng mình hãy đi ra cho khỏi xứ nầy, khỏi sợ bị ai dòm ngó”.
Thế là đôi trai gái gom lấy tư trang và đồ tế nhuyễn quý giá, trổ cửa sổ trên nóc
lầu thòng dây xuống đất và trốn khỏi tòa lâu đài của Trưởng giả Dhanaseṭṭhi.
Hai người cứ lầm lũi mà đi mãi vừa nhắc chừng nhau:
- Mình đi tới chỗ nào không có người quen biết, mình sẽ ở đó.
Đôi nam nữ tự do luyến ái nầy đi đến lưu cư tại một địa phương nọ trong một
thời gian, thì cô vợ có thai, khi gần ngày sanh, thiếu phụ thỏ thẻ với chồng: “Mình ơi!
Em gần tới kỳ khai hoa nở nhụy, mà ở đây không có ai họ hàng thân thích chi cả. Sau
khi sanh con, hai đứa mình còn khốn khổ hơn nhiều, ta hãy đánh liều tạ tội với song
thân đi mình.
Nghe vợ nói, người nô bộc nghĩ thầm: “Nếu ta trở về nơi đó, chắc là tính mạng
không an toàn”. Vì quá lo sợ như thế, nên anh ta kiếm cớ thối thác, hẹn nay rồi lại hẹn
mai.
Ngày tháng qua… tiểu thưu nóng nảy, bồn chồn nghĩ rằng: “Cái anh ngốc nầy cứ
lo sợ tội mình nặng nề, nên dụ dự không muốn trở về nhà ta. Thôi thì dầu anh ta
không đi theo ta chăng nữa, ta cũng cứ đi một mình vậy”.
Nghĩ rồi, tiểu thư sắp xếp đồ đạc trong nhà cho gọn gàng. Đoạn nói cho hàng
xóm biết là mình trở về sanh quán và lên đường.
Người chồng đi làm về, không thấy vợ bèn hỏi thăm bạn láng giềng, nghe nói:
“Chị ấy đã đi về nhà cha mẹ rồi”. Anh ta cấp tốc chạy theo, bắt kịp vợ đang đi nơi
khoảng nửa đường. Ngay chỗ hai người gặp nhau, tiểu thư chuyển bụng xổ lòng, đẻ
rớt một đứa con. Anh chồng hỏi:
- Hiền thê ơi! Cái chi đó vậy?
- Chàng ơi một đứa con trai mới chào đời.
- Bây giờ, chúng ta làm gì đây?
- Bây giờ đã sanh nở giữa đường giữa sá rồi, thì ta còn đến nhà cha mẹ làm chi
nữa. Thôi chúng mình hãy quay trở lại.
Hai vợ chồng cũng đồng một ý, bèn bồng con trở lại tư gia vì đứa trẻ bị đẻ rớt
dọc đường, nên người ta đặt cho nó cái tên là Panthaka (Lộ).
Ít lâu sau, tiểu thơ lại thọ thai và tất cả câu chuyện sanh nở lần thứ hai diễn y như
lần trước. Vì cả hai đứa con trai của Tiểu thư đều bị đẻ rớt dọc đường, nên đứa ra đời
trước gọi là Mahāpanthaka (Đại Lộ) và đứa sau được gọi là Cūḷapanthaka (Tiểu Lộ)
cho dễ phân biệt anh em. Đẻ rồi, hai vợ chồng tay bồng tay bế con thơ đồng quay trở
lại nhà mình.
Trong xóm, chỗ hai vợ chồng đến cư ngụ, đứa con trai lớn là Mahāpanthaka
thường nghe các bạn trẻ láng giềng, đứa thì khoe có chú có bác, đứa thì chúng có ông
bà, nên theo hỏi mẹ nó: “Má à! Tụi nó đứa còn có ông nội, ông ngoại, đứa thì có bà
ngoại, bà nội. Còn hai đứa tụi con thì không có họ hàng chi hết. Sao vậy hả má?”.
- Có chứ sao không hả con, ở xứ nầy mình không có họ hàng bà con với ai hết.
Nhưng ở tại đô thành Rājagaha chỗ ông ngoại con là phú Trưởng giả Dhanaseṭṭhi ở
thì mình có nhiều thân quyến lắm!
- Sao mình không về đó hở má?
Tiểu thư không tỏ thật vì lý do nào mình không đi về đó thăm cha mẹ cho con
biết. Hai đứa bé không được nghe giải thích một cách thỏa đáng, cứ đeo theo tiểu thơ
mà hỏi han hoài.
Sau cùng tiểu thơ nói với chồng: “Chàng ơi, hai đứa con cái của mình làm khổ
em quá lắm. Bây giờ mình hãy dắt chúng nó về thăm nội ngoại. Chẳng lẽ cha mẹ thấy
mình lại nỡ ăn thịt mình hay sao?”.
- Phận anh thì không thể nào giáp mặt nhạc gia, nhưng anh sẽ đưa hai con về cho
chúng nó nhìn ông ngoại, bà ngoại.
- Vậy thì ta nên chuẩn bị hành trang, rồi dắt chúng về thăm họ hàng bên ngoại.
Hai vợ chồng dắt hai đứa con trai ra đi, lần hồi đến thành Vương Xá. Họ vào ngụ
trong một ký túc xá trong thành, tiểu thư nhờ người qua lại, đem tin cho ông bà phú
Trưởng giả hay rằng mình đã dắt hai con về thăm cha mẹ.
Khi được tin ấy, ông bà đại phú nói nhắn trả lời rằng:
- Trong cái vòng tái sanh lẩn quẩn này, thật ra không có ai là con trai, con gái
hay là ông bà, cha mẹ ai tất cả, ta không muốn nhìn thấy mặt chúng nó nữa, lũ nó đã
làm điếm nhục gia phong của ta, chúng nó muốn lấy bao nhiêu tiền của thì ta cho, rồi
hai người đi tìm chỗ sống an vui đi. Còn hai đứa nhỏ thì gởi lại ta nuôi giùm cho.
Tiểu thư nhận lãnh số gia tài do người đại diện của phú Trưởng giả trao cho và
giao lại hai con mình cho người ấy dắt đem đi, hai đứa bé từ đó sống chung với ngoại
tổ cho tới khi lớn khôn.
Giữa hai anh em có sự khác biệt rõ rệt, bé Cūḷapanthaka thì hình vóc ốm yếu chỉ
ưa lúc thúc ở nhà, còn bé Mahāpanthaka hằng ngày theo ông ngoại đến nghe Đức
Thập Lực thuyết pháp. Do được gần gũi Đức Bổn Sư thường xuyên như thế,
Mahāpanthaka nảy ra ý muốn xuất gia. Cậu bèn tỏ thật với ông ngoại: “Nếu ông ngoại
cho phép con đi tu, thì con xuất gia liền”.
- Sao cháu lại nói vậy, dầu cho ai trong nhân gian cũng xuất gia hết thì ngoại
cũng không ngăn cản, huống chi là một mình cháu. Nếu cháu liệu tu được thì cháu cứ
xuất gia.
Nói rồi, ông đại phú Dhanaseṭṭhī dắt bé Mahāpanthaka đến yết kiến Đức Bổn Sư.
Ngài phán hỏi: “Nầy gia chủ, đứa bé nầy ông mới có được phải không?”.
- Vâng, bạch Ngài! Nó là cháu ngoại của con, nó muốn xuất gia đi tu với Ngài.
Đức Bổn Sư bèn gọi một vị Tỳ kheo đầu đà thường thường khất thực và bảo:
“Ông hãy làm lễ xuất gia cho đứa bé nầy”.
Vị Đại đức chỉ cách niệm đề mục thể trược đầu tiên là tóc, lông, móng, răng, da
cho bé Mahāpanthaka, rồi cho cậu xuất gia Sa di, từ đó về sau Mahāpanthaka chăm
học thuộc lòng rất nhiều Phật ngôn, đến khi tròn đủ hai mươi tuổi, Sa di
Mahāpanthaka xuất gia lên bậc trên, chuyên tâm hành thiền Chỉ quán (samātha
vipassanā) và đắc A La Hán quả.
Trong khi hưởng thụ tịnh vị của Bát Thiền và Tứ quả, Đại đức Mahāpanthaka
nghĩ rằng: “Vị tịnh lạc nầy có thể bố thí cho Cūḷapanthaka được”.
Sau đó, Đại đức về thăm ngoại tổ là nhà đại phú hỏi ướm:
- Thưa đại phú hộ, nếu người cho phép thì bần Tăng sẽ làm lễ xuất gia cho
Cūḷapanthaka.
- Bạch Đại đức, Ngài hãy làm lễ xuất gia cho nó đi.
Thiên hạ người thì đồn rằng: Nhà Đại phú hộ Dhanaseṭṭhī có đức tin hoàn toàn
trong sạch đối với chánh pháp. Có kẻ nói là ông ta bực mình vì mắc cỡ khi nhìn nhận
hai đứa bé là con của tiểu thơ đã bỏ nhà ra đi với trai, cho nên vui lòng cho phép cả
hai đứa cháu ngoại đi.
Đại đức Mahāpanthaka làm lễ xuất gia truyền thọ Cụ túc giới cho em. Sau khi
nhập đạo, Tỳ kheo Cūḷapanthaka tỏ ra hết sức tối dạ. Ông được Đại đức bắt đầu dạy
bằng kệ Nam Phạn nầy:
“Padmaṃ yathā kokanudaṃ sugandhaṃ,
Pāto siyā phullamavītagandhaṃ;
Aṅgīrasaṃ passa virocamānaṃ,
Tapantamādiccamivatalikkheti”.
“Như đóa sen hồng là thứ sen thơm ngát,
Lúc rạng đông nở bừng hương ngào ngạt.
Kìa đấng Chí Tôn, Ngài rực rỡ quang vinh,
Tợ vừng thái dương trên trời sáng bình minh”.
Bài kệ nầy, Tỳ khưu Cūḷapanthaka học ròng rã bốn tháng chưa thuộc. Tại sao?
Nghe nói rằng: Trong thời kỳ của Đức Chánh Biến Tri Kassapa. Cūḷapanthaka là một
Tỳ khưu rất thông thái, nhận thấy một Tỳ khưu tối dạ đang học kinh tiếng Phạn (Pāli)
có buông lời chế nhạo, khiến cho vị ấy hổ thẹn bỏ luôn sự học tập kinh kệ. Do tiền
nghiệp ấy, kiếp nầy Tỳ khưu Cūḷapanthaka sanh chứng tối dạ, học kệ không vô, cứ
học câu dưới thì quên câu trên, học câu sau thì quên câu trước, dầu cho hết sức cố
gắng học đi học lại mãi nhưng vì bị nghiệp chướng, Cūḷapanthaka không nhớ nổi bài
kệ trên đây.
Bốn tháng trôi qua… Khi ấy, Đại đức Mahāpanthaka bảo em mình rằng: “Nầy
Cūḷapanthaka, chú tu trong giáo pháp nầy chắc không được, có một bài kệ mà chú học
bốn tháng chưa thuộc thì làm sao chú giải cho tròn phận sự người xuất gia? Ở đây
càng tội lỗi nhiều. Thôi chú hãy hoàn tục đi”.
Nói rồi, Đại đức kéo em mình đẩy ra ngoài Tịnh Xá, tuy bị anh xua đuổi,
Cāḷapanthaka vẫn không muốn hoàn tục vì còn mến mộ con đường giải thoát.
Lúc bấy giờ Đại đức Mahāpanthaka đảm nhiệm chức vụ Trị sự trong Giáo hội
Tăng già, chư Thiện tín thường nhờ Đại đức chỉ định các Tỳ khưu cho mình, thỉnh
đến nhà sớt bát.
Hôm ấy, ông Jīvaka Komārabhacca (Tôn Sanh Nghĩa Tử, tàu âm là Kỳ Bà) đem
theo nhiều tràng hoa vật thơm và vật thoa (để tắm gội) đến ngôi vườn xoài của mình
để cúng dường Đức Bổn Sư, Ngài đang ngự nơi đó.
Sau khi cúng dường và thính pháp, ông Jīvaka đứng lên đảnh lễ và cáo từ Đức
Bổn Sư, rồi đến bạch hỏi Đại đức Mahāpanthaka rằng: “Bạch Ngài, có bao nhiêu Tỳ
khưu cùng ở đây với Đức Bổn Sư?”.
- Có tất cả năm trăm vị Tỳ khưu.
- Bạch Ngài, đệ tử xin thỉnh hết năm trăm vị Tỳ khưu cùng đi với Đức Thế Tôn
ngày mai đến nhà đệ tử để thọ thực.
- Nầy ông thiện nam, ta nhận lời của ông thỉnh hết tất cả chư Tăng. Trừ ra một
mình Tỳ khưu Cūḷapanthaka vì ông ta tối dạ, kinh pháp còn non kém lắm.
Nghe Đại đức trị sự nói vậy, Tỳ khưu Cūḷapanthaka nghĩ thầm: “Đại đức nhận
lời thỉnh của thí chủ cho tất cả Tỳ khưu đi dự Trai Tăng, lại bỏ ta ra ngoài, không kể
tình huynh nghĩa đệ chi hết. Còn ở đây chắc có ngày ta tức bể tim mà chết. Thôi thà ta
xin hoàn tục, làm người cư sĩ tại gia chỉ lo việc bố thí, trì giới cũng tạo được phước
lành vậy”.
Sáng hôm sau, Tỳ khưu Cūḷapanthaka ra đi, định về nhà để hoàn tục.
Vào khoảng đêm gần tàn, Đức Bổn Sư theo lệ thường quán sát thế gian. Thấy
biết việc nầy, Ngài thức dậy thật sớm đi kinh hành trước cổng ngõ, có ý chờ Tỳ khưu
Cūḷapanthaka đi ngang qua. Thấy vị nầy đến, Ngài dừng bước đứng lại.
Đang lầm lủi đi, chợt nhìn thấy Đức Bổn Sư, Tỳ khưu Cūḷapanthaka bèn đến
đảnh lễ Ngài.
Khi ấy, Đức Bổn Sư phán hỏi: “Nầy Cūḷapanthaka, mới chừng nầy mà ông đi
đâu vậy?”.
- Bạch Ngài! Anh con xua đuổi con, nên con đi về hoàn tục.
- Nầy Cūḷapanthaka! Ông xuất gia là xuất gia trong giáo pháp của ta, dầu anh
ông có xua đuổi đi nữa, tại sao ông không tìm tới ta? Lại đây, hãy ở gần ta chớ nên trở
về làm người cư sĩ mà làm gì?
Nói rồi, Đức Bổn Sư giơ lòng bàn tay có đường chỉ hình bánh xe của Ngài xoa
lên đầu Tỳ khưu Cūḷapanthaka, dắt ông đi đến cửa hương thất của Ngài, chỉ chỗ cho
ông ngồi rồi phán bảo rằng: “Nầy Cūḷapanthaka, ông hãy ở lại đây, quay mặt về
hướng đông, cầm lái khăn nầy vò đi vò lại mãi và nói: “Tẩy trừ cấu uế! Tẩy trừ cấu
uế!”. Ngài trao cho ông một cái khăn nhỏ màu trắng tinh, phát sanh do thần thông của
Ngài.
Khi có người đến báo tin đã đến giờ đi thọ bát. Đức Bổn Sư cùng chư Tỳ khưu
thị tùng thân hành đến nhà ông Jīvaka và ngồi lên những chỗ đã được soạn sẵn.
Còn Tỳ khưu Cūḷapanthaka vẫn ngồi y chỗ cũ, mắt nhìn mặt trời, hai tay vò đi
vò lại cái khăn của Đức Bổn Sư giao cho, miệng thì nói: “Tẩy trừ cấu uế. Tẩy trừ cấu
uế…” không ngớt.
Cái khăn mới tinh sạch sẽ, bị chà xát mãi hóa ra dơ dáy đen thui. Thấy vậy, Tỳ
khưu Cūḷapanthaka ngẫm nghĩ: “Cái khăn nhỏ nầy vốn thật tinh khiết, không có một
mảy bợn nhơ, thế mà khi tiếp xúc với thân thể của ta nó bỏ mất trạng thái ban đầu,
hóa ra ô nhiễm cấu uế như thế nầy đây. Ôi! Các pháp hữu vi thật không bền vững!”.
Chú tâm suy tư định lý Vô thường, sanh diệt, Tỳ khưu Cūḷapanthaka tăng tiến pháp
hành Minh sát (Vipassanā).
Khi ấy Đức Bổn Sư hiểu biết rằng: “Tâm của Cūḷapanthaka đã vượt lên đến độ
Minh Sát”. Ngài bèn phân thân, thị hiện thần thông như đang ngồi trước mặt
Cūḷapanthaka, phán bảo rằng: “Nầy Cūḷapanthaka! Ông đã làm cái khăn trong sạch
kia phải bị nhiễm ô trần cấu. Nhưng ngoại vật không đáng kể, bên trong của ông còn
bị ô nhiễm bởi những bụi tham lam, sân hận và si mê, ông hãy tẩy sạch nội tâm của
ông đi”.
Đoạn Đức Thế Tôn ngâm kệ rằng:
“Rāgo rajo na ca pana reṇu vuccati,
Rāgassetaṃ adhivacanaṃ rajoti;
Etaṃ rajaṃ vippajahitvā bhikkhavo,
Viharanti te vigatarajassa sāsane”.
“Doso rajo na ca pana reṇu vuccati,
Dosassetaṃ adhivacanaṃ rajoti;
Etaṃ rajaṃ vippajahitvā bhikkhavo,
Viharanti te vigatarajassa sāsanne”.
“Moho rajo na ca pana reṇu vuccati,
Mohassetaṃ adhivacanaṃ rajoti;
Etaṃ rajaṃ vippajahitvā bhikkhavo,
Viharanti te vigatarajassa sāsane ti”.
“Tham cấu uế, còn bụi không gọi thế,
Tham chính là cấu uế, đúng như tên.
Nầy chư Tăng! Xa uế đó mới nên,
Trong giáo pháp trú vững bền vô uế”.
“Sân cấu uế, còn bụi không gọi thế,
Sân chính là cấu uế, đúng như tên.
Nầy chư Tăng! Xa uế ấy mới nên,
Trong giáo pháp trú vững bền vô uế”.
“Si cấu uế, còn bụi không gọi thế,
Si chính là cấu uế, đúng như tên.
Nầy chư Tăng, xa uế đó mới nên,
Trong giáo pháp trú vững bền vô uế”.
Bài kệ vừa chấm dứt, Tỳ khưu Cūḷapanthaka chứng ngay A La Hán quả với Vô
ngại giải (Paṭisambhidā), nhờ có Tuệ phân tích, Ngài thông suốt Tam Tạng.
Tương truyền rằng: Trong một tiền kiếp nọ, Tỳ khưu Cūḷapanthaka là một Quốc
vương. Trong một buổi diễu hành nhiễu quanh thành phố, Quốc vương đã xuất mồ hôi
trán, đã lấy một cái khăn trắng mới tinh mà lau chùi, làm cho dơ cái khăn. Quốc
vương phán xét rằng: “Do nơi nhục uế nầy mà cái khăn trắng sạch thế kia đã mất sự
tinh khiết lúc ban đầu trở nên ô nhiễm cấu uế. Ôi, hữu vi pháp thật chẳng miên
trường”.
Nhờ suy tư như thế, Quốc vương đắc Vô thường tưởng (Aniccasaññā). Đó là
nhân quá khứ làm duyên cho Cūḷapanthaka đắc Tuệ minh sát, rồi dần lên với A La
Hán quả với Tuệ phân tích vậy.
Đây nói về ông Jīvaka! Đang sắp sửa xối nước khai mạc lễ Trai Tăng
(Dakkhiṇosaka), Đức Bổn Sư lấy tay đậy miệng bát và phán: “Nầy Jīvaka! Ở chùa
còn một vị Tỳ khưu”.
Đại đức Mahāpanthaka đáp:
- Bạch Ngài! Ở chùa không còn Tỳ khưu.
Đức Bổn Sư lặp lại: “Nầy Jīvaka ở chùa còn một vị”.
Ông Jīvaka sai gia đinh: “Thế thì con hãy đến chùa xem cho kỹ coi có hay là
không có Tỳ khưu nào ở đó nghe, hay còn một vị Tỳ khưu”.
Ngay trong sát na ấy, Tỳ khưu Cūḷapanthaka nghĩ thầm: “Anh ta nói là ở chùa
không có Tỳ khưu vậy để ta làm cho có nhiều Tỳ khưu, thử coi anh ấy nói sao?”.
Nghĩ rồi, Tỳ khưu Cūḷapanthaka dùng thần thông hóa ra nhiều nhóm Tỳ khưu
đông ước chừng có thể ngồi khắp khu vườn xoài. Có nhóm đang cắt may y, có nhóm
đang giặt nhuộm y, có nhóm đang tập dượt kinh kệ… Tất cả gồm có hàng ngàn Tỳ
khưu vô tỳ (asadisa) như thế.
Tên gia đinh tới chùa, thấy có nhiều Tỳ khưu về bẩm với chủ.
- Bẩm ông, khắp cả vườn xoài đầy nghẹt Tỳ khưu.
Trong khi ấy:
“Sahassakkhattumattānaṃ,
Niminivāna panthako;
Nisīdi ambavane ramme,
Yāva kālappavedanāti”.
“Một mình hóa hiện ngàn thân,
Bàn Đặc sử dụng phép thần đã xong
Bèn ngồi tịnh tọa thong dong,
Giữa vườn xoài phó mặc dòng thời gian”.
Khi ấy, Đức Bổn Sư dạy tên gia đinh: “Ngươi hãy đến chùa nói rằng: “Đức Thầy
cho gọi Tỳ khưu Cūḷapanthaka”.
Tên gia đinh tới chùa, nói y như vậy, khi ấy cả ngàn vị ứng tiếng trả lời: “Ta là
Cūḷapanthaka, ta là Cūḷapanthaka…”.
Tên gia đinh lại quay về bạch: “Bạch Ngài, tất cả chư Tăng đều trùng một tên là
Cūḷapanthaka, con không biết phải thỉnh vị nào đây?”.
- Thế thì người hãy đến chùa, hễ nghe vị nào xưng: “Ta là Cūḷapanthaka trước
nhất, thì ngươi hãy nắm chặt tay người ấy, tức thì bao nhiêu vị khác sẽ biến mất
ngay”.
Tên gia đinh làm y theo lời của Đức Bổn Sư chỉ dạy. Quả nhiên một ngàn vị Tỳ
khưu hóa hiện đều biến mất. Đại đức Cūḷapanthaka bèn ra đi với tên gia đinh.
Sau bữa Trai Tăng, Đức Bổn Sư kêu ông Jīvaka và bảo:
- Nầy Jīvaka, ông hãy giữ bát của của Tỳ khưu Cūḷapanthaka, vị ấy sẽ thuyết
pháp và kệ hoan hỷ phước báu để chấm dứt cuộc lễ hôm nay.
Như một Tiểu Hùng Sư rống tiếng rống của loài sư tử. Đại đức Cūḷapanthaka
đem những nghĩa lí cao siêu trong Tam Tạng ra biện giải rất hùng hồn, trước khi ông
Jīvaka đem bài kinh hồi hướng phước báu ra tụng niệm.
Kế đó, Đức Bổn Sư từ chỗ ngồi đứng lên, dẫn đầu Tăng chúng trở về Tịnh xá.
Sau khi chỉ bảo công việc cho chư Tăng, ban huấn từ cho chư Tỳ khưu, Đức Thiện
Thệ thuyết giảng về đề mục thiền định, xong rồi mới giải tán chư Tăng. Ngài vào
trong chỗ ngụ thơm tho gọi là Hương thất để nằm thiền, nghiêng mình bên tay phải,
theo lối nằm của con sư tử.
Chiều hôm ấy, chư Tỳ khưu chỗ nầy, chỗ nọ câu hội lại ngồi xoay tròn như một
bức màn nhung đỏ bàn luận về oai lực của Đức Bổn Sư: “Nầy chư huynh đệ, Đại đức
Mahāpanthaka đã hoài công tập dượt chỉ dạy Tỳ khưu Cūḷapanthaka trong bốn tháng
trời mà không làm sao cho em mình thuộc được một bài kệ, đến nỗi phải gắt ông nầy
tối dạ quá, và đuổi ông ta ra khỏi chùa. Đức Chánh Biến Tri quả là một bực Vô
thượng Pháp vương, chỉ trong khoảnh khắc độ chưa xong bữa cơm, Ngài đã khiến cho
Cūḷapanthaka đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích, nhờ đó mà Ngài thông suốt Tam
Tạng biện thuyết. Ôi, oai lực chư Phật lớn lao, không thể nghĩ bàn”.
Khi ấy, Đức Bổn Sư biết rõ câu chuyện chư Tăng đang thảo luận trong giảng
đường: “Hôm nay, Như Lai nên đi”.
Từ Phật sàng đứng lên, Ngài mặc hai lá hồng y nhuộm thật khéo, lấy dây lưng
thắt lẹ như chớp nhoáng, đoạn khoác lên kim thân chiếc phấn tảo đại y của Đức Thiện
Thệ màu như gấm đỏ, ra khỏi tảo hương thất, Ngài cất bước khoan thai vừa đài các
vừa hùng dũng như con mãnh sư quý báu, chúa cả đàn sư tử với tướng hào quang
minh vô tận của chư Phật, Ngài thân hành đến giảng đường, ngự lên ngôi Phật Bảo
tọa đã sẵn sàng, kê trên một bục gỗ có treo hoa trang hoàng thẫm mỹ.
Vừa an tọa, Đức Bổn Sư phóng ra sáu đạo hào quang của bậc Đại Giác, soi sáng
cả hội trường, như vừng hồng mai rạng rỡ giữa trời đông, trong lúc đại trùng dương
ba đào chuyển động.
Thấy Đức Chánh Biến Tri ngự đến, chư Tăng ngắt ngang câu chuyện đang thảo
luận và ngồi yên lặng.
Với tâm bi mẫn, Đức Thế Tôn nhìn khắp đồ chúng (pārisaṃ) và nghĩ rằng:
“Đoàn Tăng đồ nầy thật rất trang nghiêm thanh tịnh, dầu một cử động của tay hay một
cử động của chân, một tiếng ho hay một tiếng nhảy mũi cũng chẳng có, tất cả đều hết
lòng tôn kính ta, bằng sự tôn kính của một bậc Đại giác, kiêng nể ta với sự kiêng kể
Phật oai. Dẫu ta có ngồi mặc nhiên suốt một kiếp (kappa) Tăng chúng cũng không
dám hở môi phá tan sự sự im lặng trước. Chỉ có ta là có quyền quyết định, khi nào
hợp thời để đề khởi pháp thoại vậy thì ta phải lên tiếng trước để mở đầu”.
Với giọng nói dịu ngọt của một vị Đại Phạm Thiên, Đức Bổn Sư kêu gọi Tăng
chúng và hỏi rằng:
- Nầy các Tỳ khưu, chuyện gì mà các ông thảo luận hôm nay? Chuyện gì mà các
ông bỏ lửng nữa chừng?
- Bạc Ngài, chuyện ấy như vầy, như vầy.
Sau khi nghe chư Tăng cho biết nội dung cuộc thảo luận, Đức Bổn Sư bố chính
rằng: “Nầy các Tỳ khưu, không phải Cūḷapanthaka chỉ tối dạ trong kiếp hiện tại đâu,
xưa kia ông ta cũng đã từng tối dạ như thế rồi. Không phải ông ta chỉ mới hoàn toàn
nhờ cậy ta trong kiếp hiện tại đâu. Xưa kia ông ta cũng đã nhờ cậy ta như thế ấy rồi.
Trước kia ta đã giúp cho Cūḷapanthaka được làm chủ tài sản thế gian và bây giờ được
làm chủ tài sản siêu thế!”.
Thể theo lời yêu cầu của chư Tăng muốn nghe đầy đủ chi tiết về câu chuyện nầy.
Đức Bổn Sư nhắc tích rằng:
Hồi thời quá khứ, trong đám dân cư thành Bārāṇasī, có một gã thanh niên muốn
lập công danh, nên quyết chí muốn tìm thầy để học nghề văn nghiệp võ. Cậu ta đến
thành Takkasilā, xin làm đệ tử của một Sư trưởng thời danh (Disapāmokkha).
Trong nhóm năm trăm môn sinh chỉ có một mình cậu ta là chăm lo phận sự phục
vụ sư phụ hơn hết. Cậu ta siêng năng hầu hạ, đấm bóp cùng làm tất cả mọi việc cho
thầy, nhưng cậu ta lại là đứa học trò tối dạ nhất nên không thụ huấn được một nghề
mọn nào cả. Vị Sư trưởng thấy cậu ta giúp đỡ mình được nhiều việc muốn đem hết tài
nghệ ra truyền cho cậu. Nhưng dầu ông thầy có tận tâm, tận lực cho mấy, cậu học trò
ngu cũng vẫn hoàn hoàn ngu.
Ở tòng học đã lâu, mà không nhập tâm được một bài kệ, cậu ta đâm ra nản chí,
định bụng sẽ thôi học, bèn lên xin phép thầy để trở về nhà.
Vị Sư trưởng nghĩ thầm: “Cậu nầy siêng năng hầu hạ, phục dịch ta, ta cũng
mong đào luyện cậu ta trở thành người hiền trí mà không được. Đương nhiên là ta
phải đền đáp công khó của cậu. Vậy ta sẽ truyền cho cậu một câu mật chú (manta) để
làm hộ thân”.
Vị Sư trưởng bèn dắt cậu học trò tối dạ đi vào trong rừng vắng, truyền dạy mật
chú như vầy:
“Ghaṭesi ghaṭesi kiṃ kāraṇā ghaṭesi
Ahampi taṃ jānāmi jānāmīti”.
Sau khi lặp lại mấy trăm lần vị Sư trưởng hỏi: “Bây giờ thuộc chưa?”.
Khi nghe đáp: “Dạ thưa, thuộc rồi”.
Vị Sư trưởng căn dặn rằng:
- Dầu cho trò có tối dạ nhưng cứ siêng năng ôn nhuần chú ngữ nầy cho thật nằm
lòng, thì sẽ không bao giờ quên mất nó được.
Đưa tiền lộ phí cho trò, thầy còn an ủi và nhắc thêm rằng:
- Thôi trò về đi, nhờ mật chú nầy hộ thân, trò sẽ sống túc ý, túc thực. Ráng ôn
tập cho thường, đừng để cho quên mất nghe.
Nói rồi, thầy để cho trò đi.
Khi trở về Bārāṇasī, thiếu niên du học được mẹ chàng mừng rỡ tiếp đón long
trọng và nghĩ rằng:
- Con trai ta nay đã thành tài, nên trở về đây.
Thời bấy giờ, Quốc vương Bārāṇasī đang tự kiểm thảo: “Không biết trẫm có
phạm lỗi nào trong ba nghiệp thân, khẩu, ý chăng?”.
Sau khi suy xét, Quốc vương lại nghĩ: “Lỗi của mình thì tự mình không thấy mà
người khác thấy. Trẫm phải di hành để dò xét thâm ý của dân trong thành mới được”.
Thừa lúc ban đêm, Quốc vương giả dạng thường dân di hành ra khỏi hoàng
cung, tính thầm rằng: “Sau bữa cơm chiều tối, người ta ưa ngồi nói chuyện phiếm, bàn
luận về thiên hạ sự, nếu trẫm trị vì không đúng vương pháp, họ sẽ ta thán trẫm là hôn
quân, bạo chúa và nguyền rủa trẫm. Nếu trẫm hành đúng vương pháp, họ sẽ ca tụng
công đức và nguyện cầu cho trẫm trường thọ”.
Ngay lúc ấy, có nhiều kẻ trộm chuyên môn đào hầm khoét vách (ummaṅgacorā),
đào một con đường ngầm khoảng giữa hai ngôi nhà định sẽ trổ đường lên cả hai bên.
Trông thấy lũ trộm, Quốc vương vội nép mình vào bóng tối trong một ngôi nhà.
Bọn trộm đào xong địa đạo vào được trong nhà của thiếu niên du học, còn đang
tóm thâu tài vật thì thiếu niên thức giấc đọc được câu mật chú: “Ghaṭesi ghaṭesi kiṃ
kāraṇā ghaṭesi. Ahampi taṃ jānāmi jānāmīti” (Làm bậy, làm bậy, có chi làm bậy. Ta
biết như vậy, biết việc như vậy).
Bọn trộm nghe thiếu niên đọc chú, tưởng rằng chủ nhà đã hay biết, sợ bị vây bắt,
chúng tuột khỏi quần áo, buông bỏ tài vật lại, mạnh ai lo dành đường thoát thân. Được
thấy tận mắt bọn trộm đang tháo bỏ chạy và nghe tận tai tiếng của chủ nhà đọc câu
chú ngữ, Quốc vương lại tiếp tục chuyến du hành quanh thành phố, rồi quay trở về
cung đình.
Sáng hôm sau, Quốc vương truyền cho nội thị đòi một tên quân và phán bảo:
- Nầy nhà ngươi hãy đi đến con đường nọ, hỏi thăm cái nhà bị kẻ trộm đào
đường hầm chun vào tối hôm qua.
Nơi đó có vị thiếu niên du học ở xứ Takkasilā trở về. Ngươi rước vị ấy vào triều
nghe.
Thiếu niên đi theo tên quân vào triều bái yết Quốc vương, khi ấy Quốc vương
phán hỏi:
- Nầy tráng sĩ, trẫm nghe tiếng đồn tráng sĩ du học ở Takkasilā trở về, có thọ
giáo được pháp thuật phải không?
- Tâu bệ hạ phải.
- Tráng sĩ hãy truyền phép ấy cho trẫm thọ giáo với.
- Tốt lắm, tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy ngồi đồng hàng mà học pháp ngữ.
Quốc vương y lời, học được câu mật chú rồi ban cho thiếu niên ngàn đồng vàng
và phán:
- Đây là tiền thầy tổ, để đền công ơn tráng sĩ chỉ dạy.
Lúc bấy giờ, quan Nguyên soái chủ mưu toan hành thích Quốc vương. Nguyên
soái hỏi quan nội thị chuyên việc cạo râu cho vua: “Chừng nào túc hạ sẽ cạo râu cho
Quốc vương?”.
- Mai hoặc là mốt.
Quan Nguyên soái liền tặng cho nội thần một ngàn đồng tiền vàng và nói: “Bổn
soái có việc cần được Ngài tiếp tay”.
- Việc chi vậy Nguyên soái?
- Tới bữa đó, Ngài giả tuồng như cạo râu cho Quốc vương, mài con dao cho bén
ngót rồi thừa dịp cắt cổ hạ sát Quốc vương. Xong việc nầy bổn soái tức vị ngôi trời, sẽ
phong cho Ngài giữ chức Nguyên soái.
Quan nội thị nhận lời, tới ngày cạo râu cho vua, ông ta lấy nước thơm thấm ướt
râu vua, mài dao cạo xong, đè trán Quốc vương, sắp sửa xuống tay, nhưng quan ta còn
sợ dao chưa bén, nên đứng qua một bên để liếc dao lại, trong bụng tính thầm: “Dao
cạo mau lụt lắm, ta phải làm sao cắt một lát dao cho đứt lìa cuống họng của vua”.
Trong sát na ấy, Quốc vương nhớ câu chú ngữ, bèn đọc dượt lại rằng: “Làm bậy,
làm bậy, cớ chi làm bậy. Ta biết như vậy, biết việc như vậy”...