top of page
Image by Jan Kopřiva

Vui thay, Phật ra đời !

Vui thay, Pháp được giảng !

Vui thay, Tăng hòa hợp !

Hòa hợp tu, vui thay !

Phẩm Phật Đà - 194

Lược giảng Kinh Pháp Cú

Ht  Minh Chau_edited.jpg
Thích Minh Châu

Trưởng Lão - Hòa Thượng

Bài giảng này được HT Thích Minh Châu, giảng nhân dịp lễ Phật Đản 2521, tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, ngày 2-6-1977. Hôm nay là ngày Lễ Phật Đản 2521, ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh ra đời, và theo truyền thống Nam Tông cũng là ngày kỷ niệm ngày Ngài giác ngộ và nhập Niết Bàn, các Phật tử năm châu đều vui mừng và hân hoan, đón mừng ngày Đại Lễ này và Phật tử Việt Nam chúng ta cũng chung niềm hân hoan ấy để đón mừng Đại Lễ. Có người đón mừng với Đại Lễ, có người đón mừng với khóa kinh cầu nguyện, có người đón mừng với tâm hoan hỷ cúng dường. Phần chúng tôi đón mừng Đại lễ với công đức phiên dịch hai bộ kinh: Kinh Tăng Chi Bộ Kinh tập III và Kinh Pháp Cú (Dhammapada) trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikàya). Và cũng với mục đích cúng dường Pháp trong dịp Đại Lễ Phật Đản năm nay, chúng tôi lựa chọn bản dịch Kinh Pháp Cú để trình bày nội dung và giới thiệu cùng quý vị và các Phật Tử, một bản kinh Pàli, có thể nói được dịch ra cùng nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, một bản kinh được các vị Sa Di các nước theo Phật Giáo Nam Tông học thuộc lòng khi bước chân vào đời sống tu hành, một bài kinh có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật. Bộ Dhammapada tức là Pháp Cú gồm có 423 bài kệ (gàthà), chia thành 26 phẩm hay vagga, mỗi phẩm đặt trọng tâm vào một đề tài chính, như "Phẩm về Tâm" quy tụ các câu kệ nói về Tâm, "Phẩm Không Phóng Dật" quy tụ các bài kệ nói về "Hạnh không phóng dật". Giá trị chính của Bộ Kinh Pháp Cú là ở chỗ kinh này chứa đựng một cách gọn ghẽ và đầy đủ giáo lý nguyên thủy của Đạo Phật, và những giáo lý này được trình bày dưới hình thức các bài kệ đơn giản và súc tích gồm phần lớn là 4 câu, thỉnh thoảng lên đến 6 câu và mỗi câu gồm có 8 âm đồng đều. Hơn nữa, trong Tập Pháp Cú này, Đức Phật dùng phương pháp định nghĩa và các ví dụ để trình bày giáo lý của mình, và chúng ta có thể nói Ngài vận dụng rất thành công hai phương pháp này, như đoạn sau sẽ nêu rõ.

bottom of page