145. “Udakaṃ hi nayanti nettikā, Usukārā namayanti tejanaṃ; Dāruṃ namayanti tacchakā, Attānaṃ damayanti subbatā.” | "Người trị thủy dẫn nước, Kẻ làm tên nắn tên, Người thợ mộc uốn ván, Bậc tự điều, điều thân." |
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên tự) đề cập đến Sadi Sukha (Hạnh Phúc).
Thuở xưa, có chàng thanh niên tên Gandha (Gan Thá) là con ông Bá hộ trong
thành Bārāṇasī (Ba la nại). Khi thân phụ chàng thất lộc, Đức vua triệu chàng về triều,
an ủi, vỗ về, rồi long trọng phong cho chàng chức Bá hộ. Từ đó về sau, mọi người gọi
chàng là bá hộ Gandha.
Một hôm, người quản gia của bá hộ cũ dắt ông bá hộ mới đi mở cửa kho, trình
với chủ rằng:
- Thưa chủ, bấy nhiêu tài sản đây là phần di sản thân phụ ông, bấy nhiêu đây là
di sản của tổ phụ ông v.v…
Bá hộ Gandha nhìn khắp tài sản kếch xù, rồi hỏi người quản gia:
- Tại sao các cụ không mang tài sản này đi vậy?
- Thưa ông chủ, chẳng ai có thể mang tài sản đi bao giờ cả! Khi ra đi, chúng sanh
chỉ mang theo mình những nghiệp thiện và nghiệp bất thiện của mình mà thôi!
Bá hộ Gandha suy nghĩ: “Các Ngài đã khờ dại gom góp tài sản, rồi bỏ lại hết mà
ra đi tay không, đến phiên ta, ta sẽ mang hết tài sản nầy mà đi”. Đó là ý nghĩ của Bá
hộ trẻ, ông đã tính thầm: “Ta sẽ tiêu xài cho hết tài sản nầy, rồi mới ra đi”, thay vì có
dự định: “Ta sẽ bố thí cho kẻ nghèo khó hoặc cúng dường đến các bậc đáng cúng
dường”. Ông ta xuất ra một trăm ngàn đồng khiến người cất nhà tắm bằng thủy tinh.
Đã bỏ ra một trăm ngàn cất nhà tắm bằng thủy tinh như thế rồi, ông còn xuất ra một
trăm ngàn đồng lót nền bằng thủy tinh, xuất ra một trăm ngàn đồng để làm cái ghế dài
(trường kỷ) cũng bằng thủy tinh, xuất ra một trăm ngàn đồng để làm rạp ngay tại chỗ
ông ngồi ăn cơm, xuất ra một trăm ngàn đồng để làm mâm bưng đồ ăn cho ông. Cánh
cửa sổ đặt biệt gắn trong nhà ông cũng đáng giá một trăm ngàn đồng.
Ông đưa cho đầu bếp một ngàn đồng để lo bữa ăn sáng, bữa ăn chiều cũng đáng
giá một ngàn đồng. Riêng vào ngày rằm, ông đưa cho đầu bếp một trăm ngàn đồng để
lo bữa ăn ngọ cho ông. Đến ngày ông ăn ngọ, ông xuất ra một trăm ngàn đồng để
trang hoàng thành phố và cho người đi khắp nơi đánh trống truyền rao: “Nghe đây,
nghe đây! Hôm nay là ngày rằm, bà con hãy đến mục kích sự sang trọng của bữa cơm
ngọ mà ông bá hộ Gandha dùng”.
Đại chúng mang theo giường lớn, giường nhỏ được kết dính với nhau đến tụ hội
rất đông.
Ông bá hộ vào trong nhà tắm trị giá một trăm ngàn đồng, ngồi trên nền nhà tắm
trị giá trăm ngàn đồng, tắm gội bằng mười sáu vòi nước thơm, xong rồi cho mở cánh
cửa sổ đặt biệt ra, lên ngồi trên ghế trường kỷ. Trong lúc ấy, ngoài bát cơm để trên cái
mâm bưng đồ ăn, người hầu bàn còn dâng thêm cho bữa ăn ông đáng giá một trăm
ngàn đồng. Khi ông đang dùng bữa cơm ấy, cả đoàn vũ nữ vây quanh múa hát giúp
vui cho bữa ăn sang trọng càng thêm tưng bừng rộn rịp.
Một thời gian sau, có một người dân quê, muốn có tiền tiêu xài nên mang những
lâm sản, nhất là củi khô chất đầy một cỗ xe bò nhỏ, rồi đánh xe ra thành, đến ở đậu
nơi nhà một người bạn. Hôm ấy trúng ngày rằm, người đi cổ động khắp thành phố
truyền rao: “Bà con hãy đếm xem cảnh ngoạn mục của Bá hộ Gandha ăn cơm”. Nghe
vậy, người bạn hỏi người dân quê:
- Nầy, anh đã từng thấy cảnh ăn ngoạn mục của ông Bá hộ Gandha chưa?
- Thưa, chưa anh à.
Vậy thì bạn theo chúng tôi, chúng ta cùng đi với anh đánh trống trong thành
nầy, đến xem sự nghiệp lớn lao của bá hộ Gandha cho biết!
Thế rồi, người dân thành dắt người dân quê ra đi. Đến nơi, hai người thấy đại
chúng đã leo lên trên cả những giường nhỏ, giường lớn mà coi.
Ngửi được mùi thơm ngát bay vào mũi, người dân quên bảo bạn:
- Chà, tôi thấy thèm khát được cục cơm trong cái bát ấy quá chừng!
- Anh ơi! Đừng có ước mơ như thế, không bao giờ có thể được ăn đâu mà hòng!
- Anh ơi! Nếu không được ăn, chắc tôi sẽ không sống nổi!
Không thể can gián bạn được, người dân thành đành len lỏi vào đứng sát ranh
các lớp rào đại chúng mà là to ba lần:
- Kính thưa ông chủ, tôi xin lễ bái ông chủ!
- Ai đó?
- Dạ thưa ông chủ, tôi đây!
- Có việc chi vậy?
- Dạ đây là một người dân quê sanh tâm thèm khát miếng cơm trong bát cơm
ông chủ. Xin ông chủ vui lòng bố thí cho anh ta một miếng cơm!
- Hắn không thể có được.
Người dân thành hỏi bạn:
- Đó anh có nghe rõ chưa?
- Anh ơi! Tôi nghe! Tuy vậy nếu được ăn thì tôi sẽ sống, còn nếu không được ăn,
chắc là tôi phải chết.
Người dân thành lại la to một lần nữa:
- Kính thưa ông chủ, anh nầy nói: Nếu không được ăn cơm của ông chủ thì anh
ta sẽ chết. Xin ông chủ cứu mạng anh ta!
- Bạn ơi! Mỗi miếng cơm của ta đáng giá một trăm hoặc hai trăm đồng; nếu ai ai
cũng xin và ta cho đủ hết mọi người thì ta còn gì mà ăn?
- Ông chủ ơi, anh nầy sẽ chết nếu không được ăn cơm của ông, xin ông mở lòng
nhân cứu giùm mạng sống của anh ta!
- Không thể ăn không cơm của ta được! Nếu quả hắn không sống nếu không
được ăn, thì hắn hãy làm công trong nhà ta ba năm đi, rồi ta sẽ đãi cho hắn ăn một bát
cơm của ta thế nầy.
Nghe vậy, người dân quê chấp nhận ngay và nói với bạn:
- Vậy là được rồi anh ạ.
Về nhà từ biệt vợ con xong, anh đến xin ở với ông Bá hộ để làm không công ba
năm.
Trong khi ở đợ, anh ta làm tất cả mọi việc rất là đàng hoàng tử tế. Dầu ở nhà
hoặc đi rừng, dầu ban ngày hay ban đêm, mọi công việc nào cần phải làm thì anh đều
làm chu đáo. Khắp cả thành phố, ai cũng biết là anh làm công không để đổi lấy bữa
ăn, nên gọi anh là (Bhattabhatika) (Phát Tá Phá Tí Ká).
Khi số ngày làm công của anh ta đã đủ, người tổng khâu lo việc sắp đặt bữa ăn
báo cho Bá hộ biết: “Thưa ông chủ! Hôm nay đã đủ số ngày ba năm làm công khó
nhọc của anh Bhattabhatika, anh ta không hề phạm lỗi trong một công việc nào cả”.
Ông Bá hộ liền bảo ngươi quản gia xuất ra ba ngàn đồng: Hai ngàn đồng để lo
bữa trưa và bữa cơm chiều cho mình, còn một ngàn để lo bữa cơm trưa cho người làm
công. Rồi ông dặn: Hôm nay tất cả mọi người nhà, trừ nàng Cintamaṇī (Chin Tá Má
Ni) là vợ yêu của ông, phải lo phục vụ hầu hạ anh ấy cũng như là ông vậy. Thế rồi,
ông Bá hộ giao hết tài sản của ông cho Bhattabhatika được quyền hưởng thụ trong
một ngày ấy. Anh ta bèn vào phòng tắm của Bá hộ, ngồi lên nền tắm sang trọng của
ông, tắm bằng nước thơm của ông. Người cổ động của ông Bá hộ cũng đi khắp thành
phố loan tin rằng: “Anh Bhattabhatika đã làm công không ba năm trong nhà Bá hộ
Gandha, nay được hưởng một bữa cơm đắt giá. Bà con hãy đến xem anh ấy thọ dụng
bữa cơm sang trọng của ông Bá hộ”.
Đại chúng đua nhau đem giường nhỏ, giường lớn đến kê cho cao để đứng xem
cho mãn nhãn. Người dân quê nhìn đến đâu cũng thấy vẻ xôn xao, náo nhiệt. Các vũ
nữ thì vây quanh mình anh ta. Những người hầu bàn đã dọn mâm cơm canh lên dâng
trước mặt anh ta và đứng chờ lịnh…
Lúc anh ta đang rửa tay thì trên núi Gandhamādana (Hương Sơn) có vị Độc Giác
Phật vừa xuất thiền Diệt sau bảy ngày nhập đại định. Ngài quán xét rằng: “Hôm nay ta
đi khất thực ở đâu?”, Ngài thấy anh Bhattabhatika. Quán thêm nữa, Ngài biết: “Anh
nầy đã làm công không ba năm mới được bữa ăn hôm nay, nhưng anh ta có đức tin
hay không?”. Biết anh nầy là nước có đức tin, nhưng cũng có một số người tuy có đức
tin mà không thể hộ độ.
“Thử hỏi anh nầy có thể hộ độ cho ta không?”, sau lời quán xét kỹ, Ngài thấy:
“Anh nầy sẽ có thể hộ độ cho Ta và hơn nữa lại nhờ sự hộ độ nầy anh ta sẽ được quả
phước lớn”. Ngài bèn đắp y bay xuống, rẽ đám đông đến đứng trước mặt
Bhattabhatika cho anh ta thấy Ngài.
Anh ta thấy Đức Phật Độc Giác liền nghĩ thầm : “Vì kiếp trước ta không bố thí,
nên kiếp nầy phải làm công không ba năm ở nhà người khác để được một bát cơm
ngon. Bữa cơm nầy chỉ hộ trì cho ta trong một ngày đêm mà thôi, nếu ta đem cúng
dường đến vị Trưởng lão nầy, ắt nó sẽ hộ trì cho ta trong trong vô số mười ngàn triệu
kiếp. Thế thì ta sẽ dâng cúng nó đến Ngài vậy”. Thế là bữa cơm mà anh ta đã bỏ công
không ra ba năm mới có được, từ trong bát anh chưa đặt vào miệng một miếng nào,
nhưng anh đã đánh tan ái dục, tự mình bưng bát lên, đến gần Đức Phật Độc Giác, trao
bát qua tay một người khác, gieo năm vóc xuống đảnh lễ, rồi tay trái cầm bát cơm, tay
phải xúc cơm để vào bát dâng Đức Phật. Ngài lấy tay của Ngài đậy lên bát của Ngài
khi bát cơm của thí chủ còn lại phân nữa. Khi ấy, thí chủ bạch với Ngài: “Bạch Ngài,
một khẩu phần không thể chia làm hai. Xin Ngài chớ phụ lòng con. Xin tế độ cho con
cả kiếp nầy và những kiếp về sau, con xin cúng dường Ngài trọn phần ăn chứ không
ưng để dư sót lại đâu”. Một người làm việc bố thí dầu ít, nhưng rất lớn. Do đó, thí chủ
làm đúng theo lẽ nầy, dâng cúng tất cả rồi đảnh lễ một lần nữa và nói:
- Bạch Ngài, vì một bát cơm nầy mà con đã ở làm công nhà người đến ba năm,
cực khổ vô cùng. Bây giờ xin cho con dầu tái sanh đi cảnh giới nào cũng hằng được
an vui và sẽ đắc Quả nào mà Ngài đã đắc trong hiện tại.
Đức Phật Độc Giác phúc chúc: “Mong cho con được mãn nguyện, như ngọc Ma
Ni có thể làm cho tất cả sự ước muốn của con đều được thành tựu, hoặc các tư duy
của con sẽ tròn đủ như trăng rằm”.
Rồi Ngài ngâm kệ ngôn rằng:
“Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ,
Khippameva samijjhatu;
Sabbe pūrentu saṅkappā,
Cando paṇṇaraso yathā”.
“Cầu cho bao nhiêu phước đã ước nguyền,
Của Tín thí mau kết quả nhãn tiền,
Bao nhiêu tư duy đạt thành viên mãn,
Như tối rằm trăng sáng khắp miền”.
“Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ,
Khippameva samijjhatu;
Sabbe pūrentu saṅkappā,
Maṇi jotiraso yathāti”.
“Cầu cho bao nhiêu phước đã ước nguyền,
Của Tín thí mau kết quả nhãn tiền,
Bao nhiêu tư duy đạt thành viên mãn,
Như được Ma Ni ngọc ước chơn truyền”.
Dứt lời, Đức Phật nguyện rằng: “Đại chúng nầy đứng ở đây, hãy thấy Ta trở về
núi Gandhamādana (Hương Sơn)”. Rồi Ngài bay lên hư không trở về núi
Gandhamādana và đại chúng, quả thật, ai cũng đứng thấy Đức Phật cả.
Ngài về núi rồi đem bát cơm của Ngài chia làm năm trăm phần dâng đến năm
trăm vị Phật Độc Giác. Tất cả chư Phật đều thọ bát đầy đủ, ta không nên nghĩ rằng:
“Một bát cơm quá ít, làm sao chia cho đủ?”. Quả thật, Đức Phật đã dạy: Có bốn điều
bất khả tư nghì mà cảnh giới của Phật Độc Giác là một trong bốn điều ấy.
Đại chúng thấy một bát cơm mà chia sớt đến Chư Phật như thế thì hoan hô cả
ngàn lần, vang rền như sấm nổ: “Lành thay! Lành thay!”. Bá hộ Gandha nghe tiếng
hoan hô thì nghĩ thầm: “Chắc anh Bhattabhatika không chịu nổi sự sang trọng của ta
ban cho, nên vụng về lúng túng đến nổi bị dân chúng la ó lên chế nhạo”. Ông sai
người nhà ra xem cho biết chuyện gì! Họ đi rồi thưa lại cho ông biết tự sự đáng gọi là
vinh hạnh vô cùng. Nghe xong câu chuyện, Bá hộ phát sanh năm thứ phỉ lạc tràn trề
khắp châu thân, buột miệng kêu lên: “Ôi, việc làm của anh nầy thật quá khó! Nghĩ lại
như ta bấy lâu nay, với sự sản lớn như vầy mà ta không thể bố thí chút gì!”. Bá hộ cho
gọi anh làm công vào hỏi rằng:
- Nghe nói anh đã làm như thế, có thật không?
- Dạ vâng, thưa ông chủ.
Nghe vậy, ông nói:
- Nầy anh, anh hãy cầm lấy một ngàn đồng vàng rồi chia phước cúng dường của
anh cho ta!
Anh làm công làm theo lời ông chủ, sau đó ông Bá hộ lại đem tất cả tài sản của
mình chia hai, rồi cho bớt cho anh ta một phần.
(Có bốn yếu tố Hoàn mãn khiến cho phước nghiệp trổ quả nhãn tiền. Đó là Đối
tượng hoàn mãn (Vathusampadā), Vật dụng hoàn mãn (Paccayasampadā), Tác ý hoàn
mãn (Cetanāsampadā), và Ân đức đặc thù hoàn mãn (Guṇātirekasampadā).
1. Đối tượng hoàn mãn là bậc xứng đáng cúng dường (Dakkhiṇeyya) như bậc A
La Hán, hoặc A Na Hàm đã chứng đắc Thiền diệt hay Đại định (Nirodhasamāpatti).
2. Vật dụng hoàn mãn là những vật dụng phát sanh hợp theo lẽ đạo.
3. Tác ý hoàn mãn là tròn đủ trong cả ba thời, trước khi, trong khi và sau khi
làm phước tâm lúc nào cũng có sự hoan hỷ.
4. Ân đức đặc thù hoàn mãn là bậc xứng đáng cúng dường vừa xuất Thiền diệt.
Anh dân quê nầy đã có một đối tượng hoàn mãn để cúng dường vị Lậu Tận Độc
Giác Phật, anh đã làm công không để được bữa cơm là có vật dụng hoàn mãn phát
sanh hợp lẽ đạo, anh lại có tác ý trong sạch trọn cả ba thời là có tác ý hoàn mãn, và
Đức Phật Độc Giác vừa xuất Đại định thọ bát cơm của anh, tức là ân đức đặc thù hoàn
mãn. Do oai lực bốn pháp hoàn mãn hợp chung, anh dân quê được phước báu trổ quả
nhãn tiền, cho nên anh mới được ông Bá hộ chia sớt cho phân nửa gia tài như thế.
Một thời gian sau, Đức vua được biết sự kiện hy hữu nầy của anh dân quê, cũng
triệu anh vào triều, ban cho anh một ngàn đồng vàng để xin phước của anh. Đức vua
rất đẹp ý, đã ban cho anh nhiều của cải, còn phong cho anh làm Bá hộ nữa. Thế là anh
trở thành Bá hộ Bhattabhatika. Bá hộ mới nầy kết bạn với Bá hộ Gandha. Hai người ở
chung, ăn, uống, đi, đứng lúc nào cũng chung nhau cả.
Khi mệnh chung, Bá hộ Bhattabhatika sanh về Thiên giới được hưởng lộc chư
thiên suốt khoảng thời gian không có Phật. Đến thời Đức Phật hiện tại, ông tái sanh
vào một gia định đại thí chủ của Trưởng lão Sāriputta ở trong thành Sāvatthī (Xá Vệ).
Mấy ngày sau khi biết mình thọ thai, bà mẹ có ý muốn tha thiết được thỉnh Trưởng
lão Sāriputta với năm trăm vị Tỳ khưu đến cúng dường vật thực bá vị, còn bà sẽ mặc
y vàng bưng cái ly bằng vàng, ngồi sau Chư Tăng và thọ dụng vật thực dư của Chư
Tăng. Bà đã thực hiện ước muốn đó và bịnh ốm nghén của bà đã hết. Bà vẫn tiếp tục
làm phước như thế trong những ngày tháng tốt cho đến khi sanh con. Đến ngày đặt tên
Hài tử, bà yêu cầu Trưởng lao:
- Bạch Ngài, xin Ngài hãy truyền giới cho con của con!
Trưởng lão hỏi: “Hài tử tên gì?”.
- Bạch Ngài, từ khi con của con đầu thai vào lòng con, trong nhà nầy chưa hề có
điều chi khốn khổ. Do đó, con muốn đặt tên hài nhi là đồng tử Hạnh Phúc
(Sukhakumāra).
Nghe vậy, Trưởng lão chấp thuận đặt tên ấy cho Hài tử và truyền Giới cho nó.
Từ đó, bà mẹ phát tâm tự nguyện: “Ta sẽ không bao giờ làm sai ý muốn của con trai
ta!”
Trong các ngày lễ, chẳng hạn như lễ xỏ lỗ tai cho đứa bé, bà đều cung thỉnh Chư
Tăng đến nhà để làm phước.
Đến khi cậu bé được bảy tuổi, cậu thưa với mẹ rằng:
- Con thật muốn được xuất gia tu theo Trưởng lão Sāriputta quá mẹ à!
- Lành thay! Mẹ không bao giờ làm sai ý muốn của con!
Bà thỉnh Trưởng lão Sāriputta đến nhà, để bát xong, bạch rằng:
- Bạch Ngài, con trai của con nó muốn xuất gia. Chiều nay con sẽ mang nó đến
chùa.
Sau khi tiễn Trưởng lão đi rồi, bà mời các thân bằng quyến thuộc đến nói rằng:
- Hôm nay, tôi sẽ làm những việc cần thiết đối với con trai của tôi, khi nó còn là
cư sĩ.
Nói rồi, bà sửa soạn trang điểm cho cậu bé hết sức sang trọng và dắt cậu bé đến
chùa giao cho Trưởng lão. Trưởng lão hỏi thử cậu bé:
- Nầy con, đời sống xuất gia rất khó khăn, con liệu có thể vui thú được chăng?
- Bạch Ngài, con sẽ làm theo những lời dạy của Ngài.
Nghe vậy, Trưởng lão truyền đề mục năm thể trược cho cậu bé niệm và cho cậu
xuất gia Sadi. Trong bảy ngày liền, cha mẹ cậu thiết lễ Trai tăng trong chùa, dâng
cúng đến Tỳ khưu Tăng có Đức Phật dẫn đầu, những thực phẩm ngon lành bá vị, rồi
mới trở về nhà.
Đến ngày thứ tám, sau khi Chư Tăng vào làng trì bình khất thực, Trưởng lão làm
xong phận sự ở chùa, rồi mới bảo ông Sadi đắp y mang bát đi theo Ngài vào làng khất
thực. Dọc đường ông Sadi trông thấy những sự việc, nhất là việc dẫn nước vào trong,
cũng hỏi Trưởng lão y như Sadi Paṇḍita (Hiền Trí) và Trưởng lão cũng giải đáp y như
trước.
Sau khi nghe rõ hết các lý do, ông Sadi bạch với Trưởng lão:
- Bạch Ngài, nếu Ngài nhận lấy y bát của Ngài thì con xin quay trở lại.
Thay vì bảo: “Hãy mang y bát hộ ta”. Trưởng lão lại không làm trái ý muốn của
Sadi, nên nhận lấy bát. Sadi đảnh lễ cáo từ Trưởng lão và dặn thầy rằng:
- Bạch Ngài, khi mang vật thực của con đem về. Xin Ngài hoan hỷ mang về
những món ăn bá vị!
- Nầy Sadi, Ta có được vật thực ấy từ đâu?
- Bạch Ngài, nếu Ngài không được do phước báu của Ngài, thì Ngài sẽ được do
phước báu của con.
Trưởng lão bèn trao chìa khóa cốc cho ông Sadi, rồi đi vào làng khất thực.
Ông Sadi về chùa, mở cốc của Trưởng lão, vào trong đóng cửa lại, ngồi xuống,
lấy niệm Tuệ quán rõ nội thân. Do oai lực Thiền quán của ông Sadi, ngai vàng của
Đức Vua Trời Đế Thích bỗng phát nhiệt, Thiên Vương tự hỏi: “Có chuyện gì đây?”.
Khi nhìn xuống thấy rằng: Sadi Sukha sau khi trao y bát lại cho thầy Hòa thượng, đã
trở về với ý định “Ta sẽ hành Sa môn Pháp”. Thiên Vương tự nghĩ : “Vậy trẫm phải
đến nơi đó”. Ngài cho triệu Tứ Đại Thiên Vương đến và phán bảo:
- Chư Vương hãy đi xuống khu rừng gần chùa Kỳ Viên và đuổi hết những con
chim làm ồn ào để giữ yên lặng nơi ấy.
Tứ Thiên Vương vâng lịnh xuống canh giữ khắp cả khu vườn chùa. Đức Đế
Thích lại khiến cho Thần mặt trăng, Thần mặt trời nhập cung của mình để chờ lịnh và
hai vị Thiên Tử cũng vâng lời Ngài. Đích thân Đức Đế Thích đứng giữ sợi dây giật
cái then cài cửa. Cả khu chùa trở nên yên lặng.
Với nhất tâm, Sadi Sukha phát triển Thiền quán chứng đạt Ba quả vị. Trong khi
ấy Trưởng lão Sāriputta đang suy nghĩ: “Sadi nầy dặn ta mang vật thực ngon lành bá
vị về cho ông ta, nhưng ta phải đi đến nhà ai mới có thể được để bát đây?”. Trưởng
lão quán thấy một gia đình hộ Tăng đầy đủ tín tâm, nên Ngài ngự đến nơi ấy. Quả
nhiên, các Tín thí vô cùng hoan hỷ chào mời: “Bạch Ngài, chúng con thật là may mắn,
nên hôm nay được Ngài đến nơi đây!”. Họ thỉnh bát, mời Trưởng lão ngồi, dâng cháo
điểm tâm rồi xin Trưởng lão thuyết pháp trong khi chờ buổi cơm ngọ.
Trưởng lão thuyết pháp nhắc nhở các thí chủ và chấm dứt Pháp thoại khi xét
thấy đến giờ thọ bát. Thí chủ đặt bát thức ăn bá vị cho Trưởng lão, khi thấy Trưởng
lão tỏ ý muốn ra về, thì bạch thỉnh rằng: “Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài hãy độ hết, chúng
con sẽ dâng thêm bát đầy nữa”. Khi Trưỡng lão độ xong, họ dâng thêm bát đầy nữa,
thọ bát rồi Trưởng lão lật đật đi nhanh về chùa, tự nghĩ rằng: “Ông Sadi của ta chắc
đang đói bụng!”.
Ngày ấy, từ sáng sớm, Đức Bổn Sư đã trì bình khất thực về ngồi trong hương
thất. Ngài quán thấy: “Hôm nay Sadi Sukha giao y bát lại cho thầy Hòa thượng rồi
quay trở về cốc để hành Sa môn pháp”. Ngài tự hỏi: “Việc hành đạo của ông Sadi có
kết quả gì chăng?”. Ngài thấy ông đã đắc được ba Quả đầu, Ngài quán tiếp để xem
ông ta có thể đắc quả tối thượng chăng? Ngài thấy: “Hôm nay, ông sẽ đắc quả A La
Hán và Sāriputta đang hối hả mang vật thực ra đi, vì sợ Sadi đói bụng. Nếu như trong
lúc ông Sadi chưa đắc A La Hán mà đem cơm về thì chắc sẽ có tai hại đến Đạo quả
của ông Sadi. Vậy ta nên trợ giúp Sadi mới được.
Thế rồi, Đức Bổn Sư ngự ra khỏi hương thất, đứng canh giữ cửa cốc cho ông
Sadi.
Khi Trưởng lão đem cơm về đến dưới nền chùa, Đức Bổn Sư đón lại hỏi bốn câu
thông thường (Đã ghi trong bản Chú giải kệ Sadi Paṇḍita).
Đây xin nhắc lại, Đức Bổn Sư hỏi Trưởng lão Sāriputta rằng:
- Nầy Sāriputta! Thầy mang cái chi về thế?
- Bạch Ngài! Vật thực.
- Nầy Sāriputta! Vật thực sanh ra cái chi?
- Bạch Ngài! Cảm thọ.
- Nầy Sāriputta! Cảm thọ sanh ra cái chi?
- Bạch Ngài! Sanh ra sắc.
- Nầy Sāriputta! Sắc sanh ra cái chi?
- Bạch Ngài! Sanh ra Xúc.
Khi Trưởng lão giải đáp xong thì ông Sadi đắc Thánh quả A La Hán, Đức Bổn
Sư gọi Trưởng lão và bảo:
- Nầy Sāriputta, hãy đi và đem cơm cho Sadi độ!
Trưởng lão về cốc, gõ cửa, Sadi đi ra đảnh lễ Thầy Tế độ. Nghe thầy bảo: “Hãy
độ cơm đi!”, ngay lúc ấy, cậu bé bảy tuổi đắc quả A La Hán biết rằng cơm Trưởng lão
mang về không có lợi ích, tâm đã an trụ Níp bàn, cậu vừa thọ thực vừa quán tưởng,
xong rồi đi rửa bát.
Trong khi ấy, Tứ Thiên Vương đã nghỉ sự canh phòng, mặt trời và mặt trăng
thoát khỏi cung điện và Đức Đế Thích cũng trở về Thiên cung, thôi giữ sợi dây giật
gài then cửa. Mặt trời đã xế qua khỏi chánh ngọ.
Chư Tăng thấy bóng xế nhanh, hỏi nhau rằng:
- Bây giờ, ông Sadi đã độ cơm xong, không biết do mãnh lực gì mà hôm nay
buổi sáng lại dài ra, buổi xế lại đến chậm thế?
Đức Bổn Sư đến hỏi:
- Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các thầy ngồi đây bàn luận chuyện gì?
- Bạch Ngài, hôm nay buổi sáng có sức mạnh, còn buổi xế thì đến chậm. Ông
Sadi vừa độ cơm xong, mặt trời lại vượt qua khỏi chánh ngọ.
Nghe vậy, Đức Bổn Sư giải thích rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Lẽ dĩ nhiên là như vậy trong khi bậc hữu phước đang hành
Sa môn Pháp! Hôm nay Tứ Đại Thiên Vương canh phòng khắp nơi trong tịnh xá Kỳ
Viên, mặt trăng và mặt trời đình trú trong cung điện, Đức Đế Thích gìn giữ sợi dây
giật then gài cửa, đích thân Ta cũng phải trợ giúp cho Sadi. Hôm nay Sadi Sukha
được nhìn thấy người đào mương dẫn nước vào ruộng, thấy thợ làm cung nỏ uốn nắn
mũi tên cho ngay, thấy thợ mộc làm xe nhất là bánh xe, rồi tự mình chế ngự lấy mình
mà đắc A La Hán quả.
Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:
145. “Udakaṃ hi nayanti nettikā, Usukārā namayanti tejanaṃ; Dāruṃ namayanti tacchakā, Attānaṃ damayanti subbatā.” | "Người trị thủy dẫn nước, Kẻ làm tên nắn tên, Người thợ mộc uốn ván, Bậc tự điều, điều thân." |
Comments