21. “Appamādo amataṃ padaṃ, Pamādo maccuno padaṃ; Appamattā na mīyanti, Ye pamattā yathā matā”. | Không phóng dật, đường sống, Phóng dật là đường chết. Không phóng dật, không chết, Phóng dật như chết rồi. |
22. “Etaṃ visesato ñatvā, Appamādamhi paṇḍitā; Appamāde pamodanti, Ariyānaṃ gocare ratā”. | Biết rõ sai biệt ấy, Người trí không phóng dật, Hoan hỷ, không phóng dật, An vui hạnh bậc Thánh. |
23. “Te jhāyino sātatikā, Niccaṃ daḷhaparakkamā; Phusanti dhīrā nibbānaṃ, Yogakkhemaṃ anuttaranti”. | Người hằng tu thiền định, Thường kiên trì tinh tấn. Bậc trí hưởng Niết Bàn, Ách an tịnh vô thượng. |
Những kệ ngôn Pháp Cú (21-22-23) nầy được Đức Thế Tôn đã thuyết pháp khi
Ngài an ngự tại Ghositārāma (Lôi Âm Tự), gần thành Kosambi, đề cập đến cái chết
của Hoàng hậu Sāmāvatī cùng năm trăm phi tần của cô và cái chết của Thứ hậu
Māgandiyā luôn cả năm trăm cung nữ, quyến thuộc của nàng.
Đầu đuôi câu chuyện như sau:
Trong thời quá khứ, nơi quốc lộ Allakappa (An Lạc Kiếp), có Allakappa Quốc
vương và nơi quốc độ Veṭṭhadīpaka (Bệ Tha Đảo), có Veṭṭhadīpaka Quốc vương. Hai
nhà vua là đôi bạn thâm giao. Hai người kết nghĩa kim bằng từ thời thơ ấu, đã từng
sống chung, học tập nghề văn nghiệp võ với một ông thầy. Khi phụ vương của mỗi vị
băng hà, ai về nước nấy để nối ngôi thiên tử, thống lãnh giang sơn tiểu quốc
(Dasadasayojanika raṭṭha). Tuy nhiên, hai vị tân vương thỉnh thoảng vẫn còn tương
hội, cùng sánh vai nhau đi đứng, nằm ngồi.
Một hôm luận đàm thế sự, nhìn thấy dân gian lớp mới sanh, lớp đã già, đều đi
lần đến cõi chết, hai bạn tri kỷ đồng than: “Hỡi ơi! Huỳnh tiền di lộ, bất đắc tương
tùy, hơi thở dứt đi thì thân nầy cũng bỏ, cơ đồ sự nghiệp, quyến thuộc gia đình…
chung quy cũng là ảo mộng mà thôi. Vậy ta hãy xuất gia tu hành cho rảnh”.
Phán rồi, hai nhà vua cả quyết phú thác sơn hà xã tắc lại cho thê nhi, cùng nhau
xuất gia đạo sĩ vào ẩn cư trong miền Tuyết Lãnh (Himavanta).
Ở chung nơi đây, hai bạn đạo bảo nhau rằng: “Chúng ta bỏ vương quyền đế vị là
hy cần đắc đạo, nhập thánh siêu phàm, chẳng lẽ không tự túc cánh sinh, nếu ta còn lưu
luyến chung cư thì có khác nào lúc xưa ta còn ở thế? Thôi ta nên ở riêng mỗi người
một phía, bạn ở núi kia tôi ở núi nầy, mỗi kỳ nữa tháng, đến ngày Phát lồ (sám hối) ta
sẽ hội họp một lần nữa mà thôi”.
Hai đạo sĩ lại đồng ý thêm rằng: “Như thế ta cũng còn mong mỏi đến ngày tương
hội, tốt hơn hết là đến ngày ấy, bạn nổi lửa bên núi bạn, tôi nổi lửa bên núi tôi. Bằng
cách ấy, ta thông tin nhau biết là mình còn sống”.
Thế rồi, hai đạo sĩ chia tay, giữ đúng lời giao ước. Một thời gian sau, đạo sĩ
Veṭṭhadīpaka chết, thọ sanh làm một vị Thiên vương có nhiều thần lực.
Đến kỳ Phát lồ nữa tháng, không thấy khói lửa phía núi bên kia vị đạo sĩ còn
sống biết rằng: “Bạn ta đã mãn phần”.
Còn vị thiên, sau khi hóa sanh, ngẫm xem thân hình đổi mới, cao sang lộng lẫy,
bèn tìm hiểu duyên nghiệp đã làm cho được quả phước hiện tại, thì được biết rằng: Do
nhờ ta xuất gia tu hành. Rồi vị ấy tính thầm: “Ta hãy xuống thăm bạn ta coi nào?”.
Liền đó, xóa bỏ hình dáng chư thiên vị ấy biến thành một khách lữ hành, đến
đảnh lễ vị đạo sĩ và đứng qua một bên.
Thấy người lạ, đạo sĩ hỏi:
- Đạo hữu ở đâu lại đây?
- Bạch Ngài! Tôi là khách lữ hành ở tận một phương xa, bạch Ngài cho phép tôi
hỏi thăm: Nơi đây có ai khác nữa ở chung với Ngài không?
- Có, ta có một người bạn.
- Ngài ấy ở đâu?
- Vị ấy ở núi bên kia, hôm nay đến kỳ Phát lồ mà sao không thấy nổi lửa, có lẽ vị
ấy chết rồi chăng?
- Bạch Ngài, đúng vậy.
- Đạo hữu biết chắc ư?
- Bạch Ngài vị ấy chính là tôi đây.
- Đạo hữu sanh về cảnh giới nào?
- Tôi sanh lên cõi trời, làm vị Thiên vương có nhiều thần lực, nay vì muốn thăm
bạn cũ, nên trở xuống đây. Bạch Ngài! Nơi đây Ngài có gặp điều chi trở ngại, khó
khăn phiền phức không?
- Thưa đạo hữu, có. Tôi bị mấy con voi thường đến quấy phá.
- Bạch Ngài, chẳng hay mấy con voi ấy quấy nhiễu Ngài bằng cách nào?
- Đàn voi đến phóng uế trên sân, chỗ tôi đã quét sạch sẽ và dậm chân quần thảo
làm cho bụi bay lên tứ tung, tôi phải mất công hốt phân voi và đổ đất lấp các lỗ chân
voi.
- Chắc Ngài muốn đàn voi đừng trở lại nữa?
- Phải đó, đạo hữu.
- Vậy thì để tôi chỉ Ngài cách nầy làm cho bọn chúng sẽ từ biệt nơi đây.
Nói rồi, Thiên vương tặng cho đạo sĩ cây đàn thần ba dây và dạy cho đạo sĩ niệm
chú để sai khiến loài voi. Lần lượt chỉ vào ba dây đàn, Thiên vương giảng:
- Khi nào Ngài khảy dây đàn nầy và niệm chú nầy thì đàn voi chạy thẳng một
mạch, không thể quay đầu nhìn lại phía sau. Còn khi nào Ngài khảy dây đàn nầy và
niệm câu chú nầy, thì đàn voi “phản tiền vi hậu”, quay đầu lại vừa chạy vừa nhìn về
phía Ngài. Còn nếu Ngài khảy dây đàn nầy và niệm câu thần chú này thì con Tượng
chúa lập tức chạy đến đưa lưng cho Ngài cởi.
Đoạn Thiên vương đảnh lễ đạo sĩ và cáo từ lui gót.
Nhờ phép niệm chú và khảy đờn rất linh nghiệm, khiến cho đàn voi chạy lảng xa
hết, đạo sĩ từ đó mới được nhận sự nhàn lạc tịnh cư nơi miền sơn dã.
Đồng thời với đạo sĩ, có đức vua ngự, hiệu là Parantapa (Phổ Chiếu), đóng đô tại
thành Kosambi.
Một hôm nhân buổi chiều hè nóng bức, quốc vương cùng Chánh hậu đang hoài
thai ra khỏi hoàng cung, ngự tọa trên sân thượng lộ thiên của tòa biệt điện.
Hoàng hậu được đức vua khoác trên mình chiếc long bào triều phục bằng gấm
đỏ trị giá bằng mười vạn đồng vàng, trong khi ấu yếm chuyện trò, đức vua lại cởi
chiếc nhẫn ngọc ấn trị giá cũng mười vạn đồng vàng nơi tay Ngài mà lồng qua ngón
tay của Hoàng hậu.
Tình cờ khi ấy, trên không có con chim đại bàng (hatthiliṅgasakuṇa) từ xa bay
đến, trông thấy Hoàng hậu mặc chiếc hồng bào, nó tưởng là đống thịt đỏ tươi, nên xếp
đôi cánh lại lao mình xuống nhanh như cắt, phát ra tiếng gió ào ào nghe đến lạnh
mình. Đức vua kinh hãi đứng dậy, chạy ngay xuống lầu. Hoàng hậu cũng hốt hoảng
hoang mang, nhưng vì đang lúc hoài thai nên không thể lanh chân tẩu thoát kịp. Vì thế
đại bàng điểu xớt được Hoàng hậu, kẹp cứng trong móng vuốt của nó, rồi vỗ cánh bay
lên.
Theo lời xưa kể lại, giống đại bàng nầy là một giống kên kên (Thốc thứu) có mỏ
dài như vòi voi, có sức mạnh tha mồi bằng năm con tượng, cho nên khi sớt mồi rồi là
nó bay đi, tùy thích đáp xuống mà ăn thịt. Đang lúc bị chim đại bàng tha bay lên
không, Hoàng hậu phập phồng sợ chết, tự nghĩ thầm rằng: “Giống thú hay sợ tiếng
người, nếu ta kêu la, nó nghe tiếng ta, ắt là buông bỏ ta rơi xuống đất, như thế ta cùng
thai nhi cũng đều vong mạng. Chi bằng chờ khi nó đậu chỗ nào, sắp sửa ăn thịt ta,
chừng ấy ta sẽ cất tiếng la to để xua đuổi nó”.
Nhờ thông minh tinh trí, nghĩ ra diệu kế, Hoàng hậu nhẫn nại làm thinh.
Nơi miền Tuyết Sơn, có một cây đa rất to lớn, mọc lên đã lâu đời, thân cây sừng
sững giữa trời, tàn nhánh tròn xoe, sum suê mát mẻ, chim đại bàng vẫn thường sớt tha
thú rừng đem về gác trên cây đa cổ thụ mà ăn. Cho nên hôm ấy nó cũng tha Hoàng
hậu Parantapa về đậu trên cháng hai ấy và đưa mắt quan sát con đường về. Theo tục
truyền giống chim nầy có thói quen là luôn luôn quan sát con đường về như thế.
Ngay khi ấy, Hoàng hậu tính rằng: “Bây giờ là lúc ta phải xua đuổi nó đây”.
Duỗi hai cánh tay ra, Hoàng hậu vừa vỗ tay vừa la lớn tiếng, đuổi được con chim
đại bàng bay mất.
Chiều tàn, bóng ô vừa khuất, Hoàng hậu bỗng nghe thai nhi chuyển động. Bầu
trời lúc bấy giờ lại vần vũ mây đen, tứ bề chớp giăng sấm nổ.
Thảm thay cho một trang quốc mẫu, lá ngọc cành vàng.
“Rừng khuya tân khổ cơ hàn
Ai người bầu bạn trấn an cho mình”.
Đến khi đêm tàn mưa tạnh vừa hồng lố dạng trời đông, Hoàng hậu xổ lòng sanh
được một hoàng nam. Để kỷ niệm bầu trời quang đãng với mặt nhật đang lên, báo
hiệu một ngày tươi sáng. Hoàng hậu Parantapa đặt tên con là Udena (Cao Thắng).
Chỗ Hoàng hậu thọ nạn, cách chỗ ngụ của đạo sĩ Allakappa không bao xa.
Thói thường trong những ngày mưa, đạo sĩ sợ cảm hàn không dám vào rừng hái
trái cây, đạo sĩ chỉ đi đến dưới gốc cây đa cổ thụ, chờ đại bàng điểu ăn xong thì hốt
mót xương thừa, thịt vụn, đem về giã nát ra, cho thêm gia vị nấu thành nước canh mà
húp.
Sáng hôm ấy, đạo sĩ cũng tính thầm: “Ta đi lượm mót xương”, đến gốc cây đa,
đạo sĩ còn đang nhặt xương gom lại, bỗng nghe tiếng khóc của trẻ thơ ở phía trên cây.
Đạo sĩ ngước mắt nhìn lên, thấy Hoàng hậu ẵm con, bèn hỏi rằng:
- Nàng là giống chi?
- Thưa thiếp bị đại bàng điểu xớt tha về đây.
- Nàng muốn xuống đất không?
- Thưa muốn! Nhưng thiếp e giữa thiếp với người có chỗ cách biệt về dòng dõi
không?
- Nàng thuộc về giai cấp nào?
- Thưa thiếp thuộc dòng Sát Đế Lỵ (Khattiya).
- Bần đạo cũng dòng Sát Đế Lỵ.
- Thế thì xin Ngài hãy kể những kiến thức đặc biệt của dòng Sát Đế Lỵ thử coi.
Nghe đạo sĩ kể đúng rồi, Hoàng hậu hết nghi nan, bèn yêu cầu: “Xin Ngài trèo
lên ẵm ấu tử giùm cho tiện thiếp”.
Đạo sĩ lập cách mở một lối lên đến cháng cây đa, đoạn trèo lên để bồng ấu tử và
dặn rằng: “Nàng khá thủ lễ, chớ đụng tay vào mình bần đạo không nên”.
Hoàng hậu y lời, khi trao hài nhi qua cho đạo sĩ ẵm xuống giữ gìn không cho
đụng chạm, rồi Hoàng hậu cũng xuống theo luôn.
Đạo sĩ bồng ấu tử trở về tới thảo am, ra tay tế độ nuôi nấng nhưng dè dặt chẳng
cho đứt giới người tu, đạo sĩ vào rừng kiếm mật ong nguyên chất và nước trái thốt nốt,
đem về nấu cháo lỏng cho ấu tử bú.
Thấy đạo sĩ chăm non dưỡng dục con mình mà còn gìn giữ tư cách, Hoàng hậu
buồn thân tủi phận nói thầm rằng: “Như ta nay đường đi chẳng biết, nẻo về cũng
không hay, ở lại thì đạo sĩ đối với nữ nhân bơ phờ lạnh nhạt, không chút cảm tình.
Nếu rủi bị ông ấy bỏ rơi thì mẹ con ta biết sẽ lưu lạc về đâu? Chắc chắn cả hai đều
phải chết, ta phải làm sao cho đạo sĩ phá bỏ giới hạnh, chớ đừng bỏ rơi hai mẹ con ta”.
Nghĩ vậy, Hoàng hậu bắt đầu ăn vận rách rưới lang thang, dùng chất liễu bồ
nhược chất mà lung lạc tâm kẻ tu hành. Đạo sĩ rốt cuộc phải xiêu lòng. Từ đó nam nữ
sống chung thuận hòa hợp êm ấm.
Tháng ngày qua… Một hôm đạo sĩ nhìn xem thiên tượng, thấy khí số của vua
Parantapa đã hết, bèn kêu vợ bảo rằng:
- Nầy hiền nội, đức vua Parantapa trong thành Kosambi đã băng hà rồi.
- Sao phu quân nói vậy, đức vua với phu quân có thù nghịch chi chăng?
- Không đâu! Nầy hiền nội, ta nhìn xem thiên tượng thấy sao ứng ra điều ấy, nên
nói như thế.
Hoàng hậu sụt sùi đổ lệ.
Đạo sĩ hỏi:
- Sao nàng lại khóc.
Khi được biết vua Parantapa là chồng cũ của vợ mình, đạo sĩ an ủi: “Thôi hiền
nội đừng nên bị lụy, ở đời hễ có sanh là có tử, đó là lẽ đương nhiên”.
- Thưa phu quân, thiếp cũng biết như vậy.
- Thế sao nàng lại khóc?
- Vì con trai của thiếp là đông cung Thái tử, có quyền kế vị ngai vàng, đáng lẽ
hưởng được phú quý vinh hoa tột bực thế mà Thái tử bây giờ phải chịu làm kẻ thường
dân, cho nên thiếp tủi buồn cho thân con mà lưu lệ đó phu quân!
- Hiền nội cứ an tâm, đừng lo rầu nữa, nếu Thái tử muốn hồi trào để thừa hưởng
được phú quý vinh hoa tột bực thì ta có cách giúp cho Thái tử thành toàn ý nguyện
chẳng sai.
Hoàng hậu mừng rỡ đáp: “Thưa phu quân, nếu được vậy thì còn chi quý bằng”.
- Được rồi, hiền nội.
Tiếp theo lời hứa, đạo sĩ lấy cây đàn thần ba dây ra trao cho Thái tử và truyền
dạy ba câu mật chú điều khiển loài voi.
Hồi ấy vẫn có vô số tượng rừng ra vào gần đấy, tập trung quanh các gốc cây to
kể hơn trăm ngàn thớt. Đạo sĩ liền dặn Thái tử rằng: “Lúc đàn voi chưa đến, con phải
trèo lên ngồi trước trên cây cao. Hễ thấy chúng nó đến thì con niệm câu chú nầy và
khảy dây đàn nầy, tất nhiên cả đàn voi sẽ quay đầu lại chạy thẳng một mạch không
dám liếc nhìn lại phía sau. Chờ cả đàn voi qua hết, con hãy tuột xuống mà về”.
Thái tử vâng lời dưỡng phụ, một mình vào rừng thí nghiệm phép linh, xong rồi
trở về thảo am thuật lại chuyện.
Qua ngày thứ hai, đạo sĩ lại dạy thêm Thái tử:
“Bữa nay con niệm câu chú nầy và khảy sợi dây đàn nầy, đàn voi sẽ phản tiền vi
hậu vừa chạy vừa nhìn về phía con”.
Thái tử cũng vâng lời ra đi, thí nghiệm xong liền trở về phục lịnh dưỡng phụ.
Khi ấy, đạo sĩ gọi Hoàng hậu và bảo: “Nầy hiền nội, nàng có cần nhắn tin chi, thì
hãy nói với con đi! Thái tử trở về phen nầy ắt sẽ lên ngôi cửu ngũ”.
Hoàng hậu gọi Thái tử vào ngỏ lời tâm sự rằng: “Nầy vương nhi, con chính là
đông cung Thái tử, con vua Parantapa xứ Kosambi, lúc mẹ mang con trong lòng thì bị
đại bàng điểu xớt đi...”.
Thuật hết lai lịch tông tích của mình rồi, Hoàng hậu lại kể đích danh các đại thần
trong triều, nhất là tên quan Nguyên soái cho Thái tử biết và tiếp rằng: “Đến lúc cần,
con hãy trưng ra chiếc Hồng Cẩm bào và chiếc Vương chỉ hoàn nầy vốn là triều phục
và ngọc ấn của phụ vương con để làm tin”.
Dặn dò xong, Hoàng hậu tiễn biệt Thái tử. Thái tử quay lại hỏi đạo sĩ rằng:
- Thưa dưỡng phụ! Bây giờ con phải làm gì?
- Con hãy trèo lên cây, ngồi trên một nhánh thấp rồi con niệm câu chú nầy và
khảy sợi dây nầy, tức thì Tượng chúa đến đưa lưng cho con cưỡi, con tuột xuống ngồi
lên lưng Tượng trở về cố quốc kế vị ngai vàng của phụ vương con.
Thái tử sụp xuống bái biệt song thân, rồi theo lời dạy của dưỡng phụ, gọi con
Tượng chúa đến cỡi lên lưng nó và kê miệng gần tai nó, xuống lịnh phán rằng: “Ta là
Thái tử Udena, con vua Parantapa xứ Kosambi, xin Tượng chúa hãy đưa ta về triều
phục quốc, để kế vị ngai vàng!”.
Nghe vậy, Tượng chúa rống to lên, dùng ngôn ngữ của loài voi kêu gọi hợp đàn:
“Vô số ngàn thớt tượng hãy tập trung tất cả nơi đây”.
Quả nhiên, có vô số ngàn thớt tượng vâng lịnh chúa đàn quy tụ rất đông.
Với lực lượng hùng hậu vô số ngàn voi chiến Thái tử lên đường trở lại cố đô,
đến biên ải, Thái tử kêu gọi dân chúng: “Ta là đông cung Thái tử trở về trào phục
quốc, thần dân khá mau hộ giá mà lập công danh”.
Từ đó trở đi dân chúng gia nhập càng ngày càng đông, Thái tử kết tập cả đoàn
dân quân cùng với tượng binh kéo dốc toàn lực về vây thành Kosambi và phái sứ giả
vào triều trao tối hậu thư, kết thúc bằng hai điều vắn tắt: “Muốn chiến tranh hay là
quy hoàn vương vị cho ta”.
Trào thần đáp lại sứ giả rằng: “Cả hai câu hỏi của quý Ngài chúng tôi không thể
trả lời dứt khoát. Quả thật, Hoàng hậu hoài thai có bị đại bàng điểu xớt tha đi, nhưng
từ đó đến nay biệt tích vắng tăm, còn mất thế nào chưa rõ, bao giờ chúng tôi nghe
đích xác tin tức Hoàng hậu rồi, chúng tôi mới có thể biểu quyết chiến tranh hay hoàn
vương vị lại cho chúa của quý Ngài”.
Sứ giả về tâu lại với Thái tử những lời thương nghị của trào thần, Thái tử bèn
thân hành đến tận cổng thành, bắt loa phán rằng: “Ta là đông cung Thái tử Udena, con
của Hoàng hậu mất tích đây”. Rồi Thái tử gọi đích danh các quan đại thần, nhất là tên
vị Nguyên nhung. Thấy họ còn hoài nghi, Thái tử bèn trưng ra hai tín vật, bá quan
nhận thấy chiếc Hồng cẩm bào và chiếc ngọc ấn chỉ hoàng là tín hiệu của quốc vương
Parantapa, bèn mở rộng cửa ngọ môn nghinh tiếp Thái tử với ba quân tướng sĩ vào
thành và chọn ngày làm lễ đăng quang để tôn Thái tử lên ngôi cửu ngũ.
(Trên đây là sự tích đản sanh của Thái tử Udena).
Nơi quốc độ Allakappa, trong một năm mất mùa, nạn đói hoành hành rất khốc
liệt, có một anh chàng nọ tên là Kotuhaliko (Háo Kỳ) nghèo xác nghèo xơ, không
nuôi sống nỗi gia đình là một vợ, một con thơ chưa rời vú mẹ. Chàng bảo vợ: “Chúng
mình hãy đi Kosambi để tìm lối sống!”.
Nói rồi, anh ta góp nhóp được chút ít lương khô để dành ăn theo đường, dắt vợ
ẵm con bỏ nhà ra đi.
Anh Kotuhaliko chạy tị nạn đói, nhưng cũng có người cho rằng anh ta chạy tránh
bịnh thiên thời dịch khí, làm cho nhân dân chết lây liều yếu vậy.
Hai vợ chồng đi được một quãng đường thì vật thực hết sạch vừa đói vừa lả vì
kiệt sức và còn phải đèo theo đứa con thơ, Kotuhaliko chán nản, than thở với vợ rằng:
- Mình ơi! Chúng ta còn sống thì còn sanh con, ta hãy bỏ đứa nầy lại nơi đây mà
đi cho đỡ khổ nghe mình.
Động lòng từ mẫn, Kālī (Thị Thời) phản đối chồng rằng:
- Con còn sống, em không đành bỏ nó đâu?
- Vậy thì ta phải làm sao?
- Thì ta thay phiên nhau mà ẵm nó chứ sao?
Người mẹ lãnh phiên đầu, đeo đứa bé như một vòng hoa, đặt nó nằm yên trên
ngực mình, một lúc sau thiếu phụ trao con cho chồng. Kotuhaliko ẵm con đi, dừng lại
từng hồi từng chập chỗ nọ, chỗ kia. Mỗi khi bụng đói cồn cào, khổ đau quá sức. Thỉnh
thoảng anh ta nhắc đi nhắc lại với vợ rằng: “Mình ơi! Ta còn sống thì còn sanh con, ta
hãy bỏ đứa nầy đi cho rảnh”.
Kālī hễ nghe chồng mở miệng nói, là phản đối liền, nhất định không chịu lìa con.
Đứa bé được hai người thay phiên nhau ẵm bồng. Một lúc sau mòn mỏi ngủ thiếp trên
tay cha nó.
Kotuhaliko thấy con ngủ, bèn giục vợ đi trước, một mình ở lại sau, anh kiếm lá
lót trải dưới một bụi cây, se sẽ đặt con nằm xuống rồi bỏ đi.
Kālī quay lại kiếm chồng, không thấy con bèn hỏi:
- Con đâu, mình?
- Anh để nó nằm dưới bụi cây kia kìa.
Kālī đấm ngực khóc than kể lể: “Mình ơi! Mình làm khổ cho em, không có con
chắc em không sống được, mình đem con giao trả lại cho em”.
Kotuhaliko phải miễn cưỡng trở lại ẵm con theo, nhưng đến nữa đường đứa trẻ
cũng chết.
(Do nhân dứt bỏ con thơ nhiều chỗ trong kiếp ấy mà Kotuhaliko phải trả quả, bị
đem dứt bỏ bảy lần trong một kiếp sau. Thấy đó, ta không nên khinh thường những tội
lỗi nhỏ nhen mà cho rằng sẽ không trả quả).
Vợ chồng Kotuhaliko khi được rảnh tay lại tiếp tục lộ trình gian khổ và sau cùng
đi đến nông trại của một chủ nuôi bò.
Hôm ấy, nhằm ngày trong trại tổ chức lễ mừng cho con bò cái giống
(dhenumaṅgala) của chủ trại mới đẻ con so. Thường nhật có một Phật Độc Giác hằng
đến thọ thực trong trại chủ bò. Chủ trại để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác trước,
rồi mới cử hành cuộc lễ, bữa ăn thịnh soạn cơm trắng chưng dọn ê hề.
Chủ trại nhìn thấy vợ chồng Kotuhaliko mới đến, bèn hỏi rằng: “Hai em ở đâu
lại đây?”.
Sau khi nghe tường thuật những nỗi đoạn trường của kẻ tị nạn đói, ông bèn khiến
gia đình đem đến cho họ khá nhiều cơm trắng với sanh tô (sappi).
Kālī nói: “Mình ơi! Hễ mình sống là em sống vậy mình hãy ráng ăn cho no nê đi
đặng bù lại khi trước mình đã chịu đói lâu ngày”
.
Nói rồi, người vợ đem gần hết phần cơm trắng, sanh tô của mình sớt qua bát của
chồng, chỉ chừa lại ăn chút ít thôi. Anh Kotuhaliko vì bị đói trong bảy ngày liền, bây
giờ gặp được mỹ vị cao lương, ăn nhiều bao nhiêu cũng chưa đã thèm.
Sau khi sai người bố thí cơm trắng cho hai nạn nhân, chủ trại bò ngồi vào bàn ăn
để dùng bữa.
Anh Kotuhaliko ngồi nhìn chủ trại, thấy ông ấy ném vắt cơm sữa xuống cho con
chó cái đang nằm dưới gầm bàn thì phát sanh ý nghĩ như vầy: “Con chó cái nầy quả
thật có phước mới được chủ cho ăn ngon lành như thế hằng ngày”.
Đêm ấy, anh Kotuhaliko bị trúng thực, phát ách, đau bụng mà chết, tâm thức
nhập vào thai bào của con chó cái nói trên.
Kālī lo an táng chồng rồi, còn nán ở lại làm công việc trong nhà chủ trại bò.
Lãnh được một gáo gạo, chị bèn nấu cơm để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác và
phát nguyện rằng: “Xin cho phước nầy thấu đến chồng con”, nguyện rồi chị tự nghĩ:
“Ta nên ở lại đây phục dịch vì Ngài Đại đức mỗi ngày đều đến đây thọ bát. Dầu ta có
cúng dường hay không, mỗi ngày ta cũng được dịp lễ bái phục dịch Ngài. Như vậy,
chắc chắn ta sẽ tạo được nhiều phước báu cho đời vị lai”. Thế là từ đó chị Kālī ở luôn
làm công cho chủ trại.
Độ vài tháng sau, con chó cái đẻ, trong bầy con, nó chỉ có một con đực, chủ trại
bò cưng con chó con nầy lắm, nên lấy sữa của một con bò cái cho nó bú, không bao
lâu nó lớn, mỗi ngày trong khi thọ thực, Đức Phật Độc Giác đều cho nó một vắt cơm,
vì được cho ăn quen lệ, con chó nầy cảm mến Đức Phật Độc Giác.
Thường thường chủ trại bò đến hộ Đức Phật Độc Giác ngày hai lần. Đi đường
đến chỗ có thú dữ , ông ta lấy gậy đập lên bụi cây, hay đập xuống đất, miệng la: “Hiu,
hiu, hiu” ba tiếng làm cho thú dữ hoảng sợ bỏ chạy, mỗi lần ông đi, con chó chạy theo
ông.
Một hôm, chủ trại bò ngỏ lời yêu cần Đức Phật Độc Giác rằng:
- Bạch Ngài! Khi nào con không được rảnh thì con sẽ cho con chó nầy đến thỉnh
Ngài, xin Ngài hoan hỷ chấp nhận lời yêu cầu của con.
Từ đó về sau, mỗi khi bận việc, chủ trại bò sai con chó:
- Nầy con, con hãy đi thỉnh Ngài Đại đức.
Chỉ nghe chủ nói qua một lần là con chó lập tức đi. Tới chỗ mà chủ nó hay đập
gậy lên bụi cây hay đập xuống đất, nó đứng lại sủa ba tiếng, khi chắc ý là thú dữ nghe
tiếng nó sủa bỏ chạy xa rồi, nó mới sửa bộ tịch cho chỉnh tề, đi đến thảo am, chỗ Đức
Phật Độc Giác đang ngự, thấy Ngài ngồi trong am nó đứng ngay trước cửa sủa ba
tiếng ra hiệu cho biết là có nó đến, đoạn nó vào nằm bên Ngài. Đoán biết Đức Phật
Độc Giác sắp ra đi, nó vừa sủa vừa chạy trước dẫn đường.
Để thử trí khôn của con chó, Đức Phật Độc Giác thường rẽ qua lối này lối nọ,
thấy vậy, nó chạy vọt tới trước, đứng cản đường và sủa lên để kêu Ngài trở lại con
đường kia, một hôm Đức Phật Độc Giác cũng rẽ qua lối khác như thường lệ, con chó
cũng chạy tới trước đón đường, nó ráng sức sủa, nhưng Ngài không đổi hướng, lại
nắm chân nó vẹt qua để đi tới, khi thấy Ngài đi luôn, con chó chạy theo níu chéo y của
Ngài lôi ngược lại, để chỉ cho Ngài biết con đường nên đi. Sự gần gũi thân mật như
thế khiến cho mối tình quyến luyến của con chó đối với Đức Phật Độc Giác càng ngày
càng gia tăng.
Một thời gian sau, khi thấy y của Đức Phật Độc Giác cũ quá, ông chủ trại bò xin
dâng Ngài vải may y. Khi ấy, Đức Phật Độc Giác bảo rằng: “Nầy đạo hữu, việc cắt
may y rất khó mà làm một mình, vậy để ta đem vải đến chỗ có người tiếp tay phụ may
cho dễ”.
- Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài hoan hỷ ở đây may y.
- Không thể được đâu đạo hữu!
- Bạch Ngài, nếu vậy xin Ngài đừng đi ở đó quá lâu.
Khi chủ trại bò hầu chuyện cùng Đức Phật Độc Giác con chó ở một bên để ý
lắng nghe.
Đức Phật từ giã thí chủ rồi, liền bay bổng lên hư không đoạn Ngài trực chỉ bay
luôn về núi Gandhamādana (Hương Đản).
Thấy Đức Phật Độc Giác bay đi, con chó đứng dưới đất nhìn theo mà sủa mãi,
cho đến khi hình bóng của Ngài mờ dần và tan biến trong hư không thì tim nó vỡ tan
ra. Ôi, súc vật cũng có nhiều con trung nghĩa trung thành, trái với tiếng lòng muôn dạ
thú, còn loài người cũng lắm kẻ mật miệng gươm lòng, hiệp với câu: “Giáp mặt lời ra,
lòng xa ngàn núi (đối diện dữ, nhữ tâm cách thiên san).
Do nhờ tánh trung nghĩa chân thật, sau khi chết, con chó được thọ sanh lên cung
trời Đao Lợi, có một ngàn ngọc nữ theo hầu hưởng được phước lộc của một Thiên
vương, đức vua trời này có giọng nói rất to. Dầu khi kề tai nói nhỏ, tiếng Ngài cũng
vang rền xa mười sáu do tuần. Do đó, Thiên vương được mệnh danh là Lôi Âm thiên
tử (Ghositadevaputta).
Nhờ gieo nhân nào mà Ngài được phước ấy, nhờ trong kiếp chó Ngài đã sủa Đức
Phật Độc Giác bằng cả tấm lòng trìu mến vậy.
Lôi Âm thiên tử không được trường thọ để hưởng lộc trời. (Trên Thiên giới, chư
thiên mạng chung vì hết tuổi thọ, hoặc vì hết phước, vì quên thọ thực hay vì quá sân
hận). Vị nào do tạo nhiều phước nghiệp, thọ sanh lên cõi trời nào, sống mãi tùy theo
số tuổi thọ của chư thiên cõi ấy, chết rồi sanh đi sanh lại cũng chưa hết phước, như
vậy gọi là mạng chung vì hết tuổi thọ. Vị nào tạo chút ít phước thọ sanh lên cõi trời
nào, khi hưởng hết phước để dành thì phải chết ví như người gởi vào công khố độ
bốn, năm lon lúa, lấy ra hết rồi thôi, như thế mạng chung vì hết phước. Còn vị nào
đang mê say thọ hưởng ngũ trần, mãi ham vui mà quên lãng việc thọ thực vị ấy cũng
phải chết vì xác thân không được dinh dưỡng, như thế gọi là mạng chung vì quên thọ
thực. Và vị nào thấy vị khác có nhiều oai lực phước báu hơn mình mà phát sanh lòng
ganh tị, hễ cơn giận nổi lên thì cũng chết, như vậy gọi là mạng chung vì sân hận.
Ghositadevaputta mãi vui say với ngũ trần dục lạc mà quên thọ thực nên phải
mạng chung, đầu thai vào lòng một cô gái lầu xanh ở trong thành Kosambi. Vừa sanh
con, cô kỹ nữ (sobhinī) đã hỏi đứa tỳ nữ: “Trai hay gái?”.
- Dạ thưa cô, trai!
Không cần thấy mặt anh nhi, sản phụ vội bảo:
- Vậy mầy hãy bỏ thằng nầy vào một cái giỏ xách bằng mây, rồi đem liệng nó ra
trên đống rác.
Đứa nữ tỳ vâng lịnh chủ, đem vứt đứa bé vô thừa nhận. (Các cô ả làng chơi ở đô
thành chỉ nuôi ròng coi gái, chớ không dùng con trai vì con gái mới nối được nghiệp
nhà).
Nằm trơ trên đống rác, hòn máu bỏ rơi bị chó và quạ xúm lại bao vây, nhưng
chẳng con nào dám xáp lại gần do nhờ phước báu đã sủa Đức Phật Độc Giác với tâm
trìu mến trong kiếp làm chó của nó.
Thời may, trong giây phút ấy có người đàn ông đi ra đồng, thấy quạ và chó chùm
chum một chỗ, nên để ý tự hỏi:
- Đằng đó có cái gì vậy?
Rảo bước đến nơi, người đàn ông thấy đứa hài nhi thì sanh lòng thương như con
đẻ, bèn bế xốc nó lên và tri hô rằng:
- Ta xí được đứa con trai, đoạn người ấy bồng nó đem về nhà.
Ngày sanh đứa trẻ không cha là ngày ông Thiên hộ thành Kosambi vào triều bái
kiến đức vua. Lúc vào hoàng thành ông gặp quan Khâm thiên giám từ trong cung nội
đi ra, bèn nghiêng mình thi lễ và hỏi rằng:
- Kính thưa Quốc sư, chẳng hay Ngài đã xem thiên văn để tiên đoán quốc sự
ngày bữa nay hay chưa?
- Thưa phú Trưởng giả, đó là bổn phận hằng ngày của bổn chức.
- Vậy thưa Ngài, trong nước có chuyện chi lạ xảy ra không?