top of page
Ảnh của tác giảKinh Pháp Cú

Tích Truyện Kinh Pháp Cú 79 - ĐẠI ĐỨC MA HA KIẾP TÂN NA

Đã cập nhật: 13 thg 7



“Dhammapīti sukhaṃ seti, Vippasannena cetasā; Ariyappavedite dhamme, Sadā ramati paṇditoti”.

"Pháp hỷ đem an lạc,

Với tâm tư thuần tịnh;

Người trí thường hoan hỷ,

Với pháp bậc Thánh thuyết".


Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự an tại Jetavana, đề cập đến Đại đức Mahākappina (Ma Ha Kiếp Tân Na).


Và đây là sự tích kể theo thứ lớp.


Tương truyền rằng: Từ thời quá khứ, Đại đức Mahākappina đã từng cúng dường,

rồi phát nguyện dưới chân Đức Phật Padumuttara. Trong thời gian phiêu lưu trong

vòng luân hồi, có kiếp Đại đức tái sanh vào gia tộc ông trưởng đoàn thợ dệt, trong một khu phố dệt cách thành Bārāṇasī không bao xa.


Vào thời ấy, có một ngàn vị Độc Giác Phật, sau khi trú ở miền Tuyết Sơn đã tám tháng, các Ngài đến thành Bārāṇasī để tìm nơi an cư trong bốn tháng mùa mưa. CácNgài dừng chân tại một địa điểm cách thành Bārāṇasī không xa, cử tám vị đi yết kiến quốc vương để xin nhân công đến xây cất chỗ ngụ cho các Ngài.


Bấy giờ, nhằm lúc Đức vua đang bận tổ chức cuộc lễ gieo mạ. Khi nghe quan hầu báo tin có chư Phật Độc Giác ngự đến, quốc vương lâm triều và phán hỏi cho rõ mục đích của cuộc tiếp xúc nầy.


- Bạch chư Đại đức, trẫm không thể chuẩn nhận lời xin của chư Đại đức bởi vì sáng mai trẫm sẽ cử hành cuộc lễ gieo mạ kéo dài cả ba ngày đêm liền.

Phán rồi, quốc vương trở vào hoàng cung không mời thỉnh chư Phật Độc Giác

cúng dường vật thực chi cả. Các Ngài đành ra khỏi thành, tính thầm: “Chúng ta sẽ đến một làng khác”.

Ngay trong lúc ấy, bà vợ của ông trưởng đoàn thợ dệt đang đi vào thành Bārāṇasī vì một chút việc cần. Gặp chư Phật Độc Giác, bà đảnh lễ xong, bạch hỏi:


- Bạch chư Đại đức, sao các Ngài đến trễ quá vậy?


Sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, người nữ có đầy đủ đức tin và trí tuệ ấy mới thỉnh cầu:


- Bạch chư Đại đức, con xin thỉnh các Ngài sáng mai đến thọ bát tại nhà con.

- Nầy cô, chư Tăng chúng tôi đông lắm.

- Bạch chư Đại đức, các Ngài có tất cả bao nhiêu?

- Độ một ngàn vị cô ạ.

- Bạch chư Đại đức, trong làng có một ngàn gia tộc, mỗi nhà sẽ lo để bát một vị. Các Ngài hãy nhận thọ bát trước, rồi con sẽ lo liệu việc cất liêu cốc, chỗ ngụ để cúng dường các Ngài sau.


Chư Phật Độc Giác bèn nhận lời. Bà tín nữ đi vào làng, cất tiếng kêu gọi rằng: “Tôi đã gặp độ ngàn vị Phật Độc Giác và đã cung thỉnh Ngài, vậy quý vị hãy lo sắp đặt chỗ ngồi, nấu sẵn cơm cháo...”. Sau đó dựng lên một trang trại ở ngay giữa làng, trải lót tọa cụ đàng hoàng và qua ngày mai họ thỉnh chư Phật Độc Giác an tọa, rồi dâng cúng vật thực ngon quý. Sau khi các Ngài dùng xong bữa, bà tín nữ dắt tất cả nữ nhân trong làng cùng đi với mình đến đảnh lễ chư Phật Độc Giác và thỉnh các Ngài chấp nhận ở lại nơi đó an cư mùa mưa ba tháng.


Kế đó, bà tín nữ vào làng, cất tiếng kêu gọi rằng:


- Nầy các người ơi! Mỗi nhà hãy đơn cử một người nam, đem theo búa rìu vào rừng đốn cây làm vật liệu mang về đặng kiến tạo chỗ ngụ cho chư Đại đức.


Dân chúng trong làng theo lời của bà tín nữ, mỗi nhà đưa ra một nam nhân, hiệp lực công tác dựng lên ngàn thảo am (paṇṇasālā) có đủ chỗ hành đạo và nghỉ ngơi. Đến gần ngày an cư, các chủ nhà của những thảo xá tranh nhau cung thỉnh chư Phật Độc Giác và hứa hẹn: “Tôi nguyện sẽ hộ độ Ngài tử tế đàng hoàng”. Nhà nào thỉnh được vị Phật nào ở thảo xá của mình thì lo hộ độ vị đó. Đến khi mãn hạ, mỗi nhà đều nhắc vị Phật của mình may y và dâng mỗi vị một xấp vải may y đáng giá một ngàn đồng.


Sau khi mãn mùa an cư, chư Phật Độc Giác tụng kinh phúc chúc cho các thí chủ xong, thì từ giã ra đi. Còn dân chúng trong làng nhờ tạo phước nầy, đến khi chết siêu sanh lên cõi trời Đao Lợi (Tāvatiṃsa) mệnh danh là thiên chúng (Gaṇadevaputta), hưởng lộc trời. Đến thời kỳ Đức Chánh Biến Tri Kassapa, họ cùng tái sanh vào những gia đình Trưởng giả trong thành Bārāṇasī, ông đoàn trưởng thợ dệt tái sanh làm conmtrai của ông Đại Trưởng giả trong thành, bà vợ của ông lại là một tiểu thư con của một Đại Trưởng giả khác. Tất cả các bà vợ của ông thợ dệt cũng là các tiểu thư của các nhà Trưởng giả và khi khôn lớn họ lại tái hợp với nhau như thuở trước.


Một hôm, dân chúng cùng rủ nhau vào tịnh xá nghe thuyết pháp. Khi nghe nói: “Có Đức Bổn Sư thuyết pháp”, tất cả Trưởng giả đồng thanh: “Chúng ta hãy đi nghe pháp”, và dắt luôn vợ đi vào tịnh xá.



Lúc họ đến giữa vườn chùa thì trời đổ mưa. Những ai có người quen thuộc hoặc là thân quyến của các vị Sa di... thì chạy vào đụt mưa trong cốc của các vị ấy. Còn những ai không có người quen thì không biết chạy đâu, đành đứng y giữa sân tịnh xá mà chịu trận.


Khi ấy, ông Đại Trưởng giả nói với họ rằng: “Quý vị hãy nhìn xem thảm trạng của chúng ta! Là con nhà danh giá cả, mà phải chịu cái cảnh xấu hổ như vầy. Thưa quý vị, bây giờ ta phải tính sao?”.


- Chúng ta sở dĩ gặp phải tình cảnh như vầy là do thiếu chỗ thân thiện có thể nương nhờ. Vậy chúng ta nên bỏ tiền ra chung đậu lại mà cất lên một ngôi chánh điện (pariveṇa).


- Lành thay, thưa quý vị.


Ông Đại Trưởng giả bỏ ra ngàn đồng vàng, kỳ dư đều bỏ ra năm trăm đồng vàng cho mỗi vị, còn các nữ nhân thì cũng bỏ ra mỗi người hai trăm năm mươi đồng vàng để hùn vào. Khi góp được số tiền lớn ấy, họ khởi công xây cất một chánh điện mệnh danh là Đại Giảng Đường (Mahāpariveṇa), gồm cả ngàn cái nóc để cúng dường đến chư Tăng có Đức Bổn Sư là tọa chủ. Công trình kiến trúc đồ sộ quá, phí tổn rất nhiều, thành ra số tiền góp được khi trước không đủ, họ phải góp thêm hai lần phân nửa như vậy nữa.


Ngày khánh thành ngôi Giảng Đường Trùng Các nầy, họ cung thỉnh Đức Bổn Sư đến chứng minh cuộc đại lễ Trai Tăng suốt bảy ngày, và lúc sắp kết thúc đại lễ, họ lại cúng dường y đến hai muôn vị Tỳ khưu.


Vợ của Đại Trưởng giả không chịu đồng hưởng phước như mọi người, mà định sử dụng trí tuệ của mình để tạo ra công đức tối thắng hơn: “Ta sẽ cúng dường đến Đức Bổn sư”. Nghĩ như vậy, bà lấy một đóa hoa Anoja (Hoàng Hoa), gói trong một khăn choàng có màu như hoa Anoja trị giá một trăm ngàn đồng vàng, chờ khi Đức Bổn Sư sắp tụng kinh phúc chúc, bà dâng y cùng hoa đến Ngài, đặt tấm y choàng quý giá dưới chân Đức Phật, bà phát nguyện: “Bạch Ngài, xin cho con tái sanh trong cảnh giới nào, cũng được thân thể sáng màu vàng cam như sắc Hoàng Hoa (Anoja) đây vậy, và xin cho con được mang tên là Anoja (Hoàng Hoa) nữa”.


Đức Phật phúc chúc: “Chúc con được mãn nguyện”. Tất cả những gia trưởng trên đây sống tùy theo tuổi thọ, sau khi mạng chung đều thọ sanh về Thiên giới. Đến thời Đức Phật hiện tại, ông Đại Trưởng giả thời trước, từ cõi trời tái sanh vào hoàng tộc, tại thành Kukkuṭavatī (Hùng Kê), đến tuổi trưởng thành thì được tôn vương, ngự hiệu là Đức vua Mahākappina. Các Trưởng giả xưa kia cũng tái sanh vào cõi người, trong những gia tộc đại thần cả. Bà Đại Trưởng giả thì tái sanh vào hoàng tộc trong thành Tāyala, xứ Madda, được song thân đặt tên là công chúa Anoja (Hoàng Hoa), vì toàn thân công chúa có ánh sắc vàng cam như bông Anoja vậy. Các bà Trưởng giả kia cũng đều sanh vào các gia tộc quyền quý, đến khi trưởng thành lại kết hôn với những công tử con quan trong triều vua Mahākappina, theo đúng như quan hệ từ trước. Còn công chúa Anoja thì được hoàng đế Mahākappina rước về làm Hoàng hậu trong triều.


Tất cả những quý tộc nầy đều giàu sang ngang hàng với quốc vương. Khi nào quốc vương vận triều phục, điểm trang lộng lẫy, cỡi voi ngự đi du ngoạn, thì họ cũng xuất hành đi theo chung thể, chứ không chịu kém. Còn quốc vương cỡi ngựa hoặc ngồi xe thì họ cũng cỡi ngựa hoặc ngồi xe mà đi như quốc vương. Họ được vinh hiển đồng đẳng như vậy là do nhờ hưởng quả của những phước lành mà họ đã tạo dựng chung một lượt với nhau.


Quốc vương có năm con tuấn mã tên là Bala (Lực), Balavāhana (Lực Tải), Puppha (Hoa), Pupphavāhana (Hoa Tải) và Supatta (Thiện Đạt). Quốc vương chỉ cỡi con Supatta, còn bốn con thì giao cho những sứ giả của vua cỡi để đi săn tin. Mỗi sáng  quốc vương đãi đằng các vương sứ ăn uống xong rồi, phán bảo họ: “Chư khanh hãy đi, trải qua độ hai ba do tuần để nghe ngóng, dò hỏi: Khi biết rõ có Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng ra đời thì mang phúc tín về cho quả nhân”.

Bốn vị vương sứ theo bốn cửa thành ra đi bốn hướng, trải qua hai ba do tuần chẳng bắt được tin lành, bèn trở về triều.


Một hôm, Đức vua cỡi con tuấn mã Supatta cùng với ngàn quan đại thần hộ giá, xuất thành du ngoạn, bỗng thấy năm trăm người lái buôn dạn dày sương gió, đang đi vào thành, quốc vương nghĩ thầm:  “Những người lái buôn nầy có vẻ mệt mỏi phong trần vì đi đường xa. Trẫm sẽ hỏi thăm họ, may ra nghe được tin lành nào chăng?”. Quốc vương cho đòi đoàn lái buôn đến và phán hỏi:


- Các người từ đâu đến đây?


- Tâu Đại vương, cách đây độ một trăm hai mươi do tuần, có một kinh thành tên là Sāvatthī.

Chúng tôi từ đó đến đây.

- Trong xứ đó của các người, có tin lành gì phát sanh lên chăng?


- Tâu Đại vương! Chẳng có tin lành chi khác ngoài cái tin Đức Chánh Biến Tri đã giáng thế.


Vừa nghe tới đó, long thể tràn đầy năm thứ phỉ lạc, quốc vương không suy tính được gì cả, một chập sau mới phán hỏi rằng: “Các khanh nói sao?”.


- Tâu Đại vương, Đức Phật đã giáng thế.


Lần thứ nhì, rồi lần thứ ba quốc vương cũng ngơ ngẩn vì quá vui mừng trong chốc lát như thế. Lần thứ tư, quốc vương lại phán hỏi: “Các khanh nói chi?”.


Khi nghe trả lời: “Tâu Đại vương! Đức Phật đã giáng thế”, quốc vương phán rằng:


- Nầy chư khanh, trẫm sẽ ân thưởng chư khanh một trăm ngàn đồng.


Phán rồi quốc vương lại hỏi tiếp:


- Về sau còn có tin lành nào khác nữa chăng, các khanh?


- Tâu Đại vương! Đức Pháp đã giáng thế.

Nghe tin nầy, Đức vua cũng ngây ngất trong chốc lát ba lần như trước. Đến khi nghe câu: “Đức Pháp đã giáng thế” lần thứ tư, Đức vua cũng hứa: “Trẫm sẽ ân thưởng chư khanh một trăm ngàn đồng”. Hứa xong, Đức vua lại phán hỏi:


- Về sau, có tin lành nào khác nữa không?


- Tâu Đại vương, Đức Tăng đã giáng thế.


Nghe vậy, Đức vua cũng ngây ngất vì vui mừng trong chốc lát như ba lần trước.

Và lần thứ tư khi nghe câu: “Đức Tăng đã giáng thế”, Đức vua cũng tuyên bố sẽ ân thưởng một trăm ngàn đồng vàng cho đoàn thương buôn báo tin lành đến Ngài.

Đoạn Đức vua đưa mắt nhìn ngàn quan đại thần tùy giá hỏi rằng: “Chư hiền khanh, sẽ làm gì?”.


- Tâu Bệ hạ, chẳng hay Bệ hạ định làm gì?


- Nầy chư khanh! Bây giờ đã biết tin lành Đức Phật đã giáng thế, Đức Pháp đã giáng thế, Đức Tăng đã giáng thế, quả nhân sẽ không thối chuyển, nhất định sẽ tìm đến Đức Thế Tôn để xin xuất gia với Ngài.

- Tâu Bệ hạ! Chúng tôi cũng sẽ xuất gia chung với Bệ hạ. Quốc vương khiến quan hầu lấy vàng lá, thảo tín thơ trao cho những lái buôn và dặn rằng:

- Chư khanh về triều trao tín thơ nầy đến Hoàng hậu Anoja, Hoàng hậu sẽ ban thưởng cho các khanh ba trăm ngàn đồng vàng. Khi ấy, chư khanh hãy tâu với Hoàng hậu như vầy: “Quốc vương truyền ngôi và giao phó giang san đế nghiệp về tay Hoàng hậu. Vậy Hoàng hậu hãy tùy nghi sử dụng”. Nếu Hoàng hậu có hỏi chư khanh: “Hoàng thượng bây giờ ngự ở đâu?”, thì chư khanh nên cho biết rằng: Ngài tuyên bố: “Trẫm sẽ đi tìm Đức Bổn Sư để xuất gia”, và Ngài đã đi rồi.

 Còn ngàn quan đại thần cũng thảo thơ, mỗi vị đều báo tin cho vợ mình như thế cả.



 Sau khi lái buôn từ biệt rồi, quốc vương lập tức lên đường tầm sư học đạo cùng với ngàn viên đại thần tùy tùng. Ngày ấy, lúc sáng tinh sương, trong khi Đức Bổn Sư quán sát thế gian, Ngài trông thấy quốc vương Mahākappina cùng với đoàn hộ giá. Quán thêm nữa, Ngài biết rõ rằng: Đức vua Mahākappina khi nghe đoàn lái buôn báo tin đã có Tam Bảo giáng thế thì ban thưởng cho họ ba trăm ngàn đồng vàng, rồi rời bỏ ngai vàng, dắt theo ngàn quan đại thần đi tìm Như Lai để xuất gia hành đạo. Ngày mai, Đức vua sẽ đến đây xuất gia, sẽ đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích một lượt với ngàn quan tùy tùng. Như Lai sẽ đón tiếp để tế độ Đức vua.


Qua hôm sau, cũng như vị Chuyển Luân Vương ngự đón đường một vị thôn trưởng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát, một mình vượt qua quãng đường một trăm hai mươi do tuần, đi về hướng có quốc vương, đến ngồi tại bờ sông Candabhāgā (Nguyệt Phần), dưới gốc cây đa và phóng tỏa ra hào quang lục sắc.


Còn quốc vương đang đi tìm Đức Phật, đến một con sông, bèn hỏi quan tùy

tùng:


- Con sông nầy tên chi?


- Tâu Bệ hạ! Đây là sông Aravacchā.


- Sông nầy sâu rộng thế nào vậy chư khanh?


- Tâu Bệ hạ, bề sâu của nó là một dặm, bề rộng là hai dặm (gāvuta).


- Nơi đây có thuyền bè chi để qua sông chăng?


- Tâu Bệ hạ, không có.


Trong lúc các quan lo tìm kiếm thuyền bè... quốc vương khấn thầm rằng: “Vì chúng tôi nhận thấy sự sanh dắt dẫn đến sự già, sự già dắt dẫn đến sự chết, nên bá quan đã một lòng cùng trẫm ra đi để tìm Tam Bảo. Do nhờ oai lực của Tam Bảo, xin cho nước sông nầy hãy đừng giống như nước”.

Sau khi suy tư đến Hồng Ân Tam Bảo, quốc vương bắt đầu tưởng niệm: “Itipiso Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddhoti”. (Ngài là Đức Thế Tôn, bậc ứng Cúng, Đức Chánh Biến Tri...) chú tâm giữ vững đề mục Niệm Phật, quốc vương với đoàn tùy tùng ngồi trên lưng cả ngàn con ngựa, lướt trên mặt nước mà qua sông. Những con tuấn mã vó câu dồn dập như chạy trên mặt đá, đầu móng chân không bị thấm ướt chút nào cả.


Qua khỏi con sông nầy, quốc vương đi trước lại gặp một con sông khác, liền

phán hỏi:


- Sông nầy tên chi?


- Tâu Bệ hạ, nó tên là Nīḷavahanā (Thanh Sắc Cấp Thủy Hà).


- Nó sâu, rộng bao nhiêu?


- Tâu Bệ hạ, bề sâu cũng như bề rộng của nó là nửa do tuần.

Trong lúc các quan lo tìm kiếm thuyền bè để qua sông. Quốc vương cũng khấn

nguyện như lần trước, nhưng với con sông nầy quốc vương tưởng niệm câu “Svākkhāto bhagavatā dhammoti” (Pháp mà Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng...). Chú tâm giữ vững đề mục Niệm Pháp, quốc vương phóng ngựa vượt qua sông an toàn. Nhưng vượt qua sông nầy rồi, quốc vương lại gặp một con sông khác nữa, lại phán hỏi các quan:


- Sông nầy tên chi?


- Tâu Bệ hạ, tên nó là Candabhāga (Nguyệt Phần).


- Bề sâu và rộng của nó là bao nhiêu?


- Bề sâu và rộng của nó là một do tuần.


Trong lúc bá quan nhìn kiếm thuyền bè quốc vương cũng khấn nguyện như trước, nhưng với con sông nầy, quốc vương khấn nguyện, niệm tưởng Ân Đức Tăng “Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅghoti” (Tăng là các Bậc Thinh Văn đệ tử Phật đã tu hành đúng theo Chánh pháp). Chú tâm giữ vững đề mục Niệm Tăng, quốc vương vượt sông an toàn.


Qua sông rồi, quốc vương tiếp tục hành trình đi mãi đi mãi, cho đến khi trông thấy những tia hào quang sáu màu từ kim thân của Đức Bổn Sư phóng ra. Toàn cả cây đa, chỗ Đức Bổn Sư ngự, những cành lá và rễ phụ đều lóng lánh y như bằng vàng ròng. Quốc vương nghĩ thầm: “Trẫm chưa từng thấy ánh sáng rực rỡ dường nầy bao giờ. Nó không phải là của mặt trăng, mặt trời, hay chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, Long vương, Kim sí điểu... hoặc của ai khác nữa. Trên đường đi tầm sư học đạo chắc là trẫm được gặp Đức Phật Tổ Gotama bây giờ đây”.


Quốc vương bèn xuống ngựa, hạ mình nương theo ánh hào quang mà đến gần Đức Bổn Sư. Như người lặn trong hồ nước thơm, mát mẻ (manosilārasa), quốc vương đến bên trong vùng hào quang của Đức Phật, đảnh lễ ra mắt Đức Bổn Sư xong rồi, ngồi xuống một bên cùng với một ngàn cận thần.


Đức Bổn Sư thuyết tuần tự Pháp (Anupubbīkathā), đến cuối thời pháp, quốc vương cùng đoàn tùy tùng đều đắc quả Tu Đà Hườn. Khi ấy, tất cả đồng đứng dậy, ngỏ lời xin xuất gia.

Đức Bổn Sư tự vấn: “Những thiện gia tử quí tộc nầy có y bát do thần thông lực được chăng?”. Khi quán xét, Ngài thấy rằng: “Những thiện gia tử nầy đã có cúng dường một ngàn lá y đến ngàn vị Độc Giác Phật, và trong thời Đức Chánh Biến Tri Kassapa đã cúng dường hai muôn lá y đến hai muôn Tăng chúng. Không có chi lạ, nếu có y bát phát sanh đến cho họ do thần thông lực”.



Biết rõ như thế, Đức Bổn Sư đưa tay phải ra, phán rằng: “Thiện lai Tỳ khưu! (Hãy đến đây hỡi chư Tỳ khưu!) Hãy thực hành Phạm hạnh cho chơn chánh, ngõ hầu chấm dứt mọi nỗi khổ đau”.

Ngay khi ấy, những Tỳ khưu mới nầy có đầy đủ tám món vật tùy thân, có hình dáng trang nghiêm như những vị Đại đức hằng trăm tuổi hạ, đồng bay bổng lên hư không, đáp xuống đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi ngồi yên nơi đó.


Nói về các thương khách, về đến kinh đô vào triều kiến Hoàng hậu, báo tin rằng mình có mang lời ủy thác của Đức vua, khi được Hoàng hậu truyền lịnh: “Hãy vào!”, họ bèn vào triều bái tung hô xong, đứng nép qua một bên.


Khi ấy, Hoàng hậu phán hỏi họ: “Chư khanh đến có việc chi cần yếu?”.


- Chúng tôi được lịnh quốc vương phái về tiếp kiến Hoàng hậu ban cho chúng tôi

ba trăm ngàn đồng.


- Chư khanh xin sao nhiều quá vậy? Chẳng hay chư khanh đã làm điều chi khiến

Hoàng thượng phát tâm trong sạch đối với chư khanh, mới ban thưởng cho chư khanh số tiền to lớn như thế ấy?


- Tâu Hoàng hậu, chúng tôi chẳng có làm điều chi khác ngoài việc báo một tin

lành đến quốc vương biết.


- Chư khanh báo tin lành ấy đến cho ta nghe được chăng?


- Tâu Hoàng hậu, được.


- Thế thì chư khanh hãy nói đi.


- Tâu Hoàng hậu, Đức Phật đã giáng thế.


Nghe được tin nầy, từ lần thứ nhất đến lần thứ ba, cả ba lần ngọc thể tràn đầy phỉ lạc, Hoàng hậu không còn tưởng nghĩ điều chi được nữa. Khi nghe tiếng Đức Phật (Buddho) lần thứ tư, Hoàng hậu mới phán hỏi: “Chư khanh, nghe câu nầy hoàng thượng đã ban thưởng bao nhiêu?”.


- Tâu Hoàng hậu, một trăm ngàn.


- Chư khanh, nghe được tin lành như thế mà hoàng thượng chỉ ban cho chư khanh có một trăm ngàn, như thế thì không xứng đáng. Quả thật, ta sẽ ban tặng cho chư khanh món quà nhỏ mọn của ta là ba trăm ngàn đồng. Chư khanh còn báo tin gì khác cho hoàng thượng biết nữa chăng?

Các thương khách lần lượt tâu cho Hoàng hậu biết hai tin lành khác: “Tâu Hoàng hậu, Đức Pháp đã giáng thế”, “Tâu Hoàng hậu, Đức Tăng đã giáng thế”.  


Cũng như lần đầu, long thể Hoàng hậu biết hai tin lành ấy, cả ba lần đều ngẩn ngơ. Nghe đến lần thứ tư, Hoàng hậu tỉnh trí, khiến ban thưởng cho các thương khách hai lần, mỗi lần ba trăm ngàn đồng vàng nữa. Thế là các nhà đem tin báo tiệp được lãnh tất cả là một triệu hai trăm ngàn đồng vàng.

Sau đó, Hoàng hậu phán hỏi các thương khách:


- Nầy chư khanh, hiện giờ Hoàng thượng đang ở đâu?


- Tâu Hoàng hậu, Hoàng thượng có nói: “Trẫm sẽ đến xuất gia nơi Đức Phật”, và Ngài đã lên đường.


- Thế Hoàng thượng có nhắn lời gì cho ta?


- Ngài dặn tâu lại rằng: Tất cả quyền tước của Ngài, Ngài giao phó cho Hoàng hậu toàn quyền sử dụng, rằng Hoàng hậu hãy thừa hưởng vương vị tùy theo sở thích.


- Nầy chư khanh, còn các quan cận thần đi đâu?


- Tâu Hoàng hậu, bá quan cũng có nói: “Chúng tôi sẽ xuất gia theo cùng với Đức

vua”, và cũng ra đi cả rồi.


Hoàng hậu cho triệu tập các mệnh phụ phu nhân của ngàn vị đại thần và phán

hỏi rằng:


- Chư tỉ muội, chồng của các chị em đã nói: “Chúng ta sẽ đi xuất gia với quốc vương”, và đã ra đi. Vậy các chị em tính làm sao đây?


- Tâu Hoàng hậu, các ông ấy có nhắn lời gì cho chúng tôi chăng?


- Các chị em, Hoàng thượng cùng các ông ấy, nghe nói là giao hết sự sản của mình lại cho chị em, bảo chị em cứ tha hồ hưởng thụ đi.


- Tâu Hoàng hậu, chẳng hay giờ đây Hoàng hậu tính sao?


- Nầy chị em, khi Hoàng thượng đang đứng ngoài đường, nghe được tin lành nầy, đã xuất ra ba trăm ngàn đồng để cúng dường Tam Bảo, rồi từ bỏ giang san sự nghiệp như thế, như người nhổ bỏ nước bọt. Ngài tuyên bố: “Trẫm sẽ đi xuất gia”, và đã ra đi. Còn ta, khi nghe tin lành Tam Bảo đã khởi hiện, ta cũng đã cúng dường Tam Bảo chín trăm ngàn đồng. Quốc vương đã từ bỏ vương vị, xả phú cầu bần thì ta cũng nên xả phú cầu bần, chứ ai lại quỳ gối xuống đất, hả miệng liếm lại nước bọt của quốc vương đã nhổ bỏ hay sao? Ta không cần vương vị làm chi, ta cũng sẽ đi tìm Đức Bổn Sư mà xin xuất gia hành đạo.


- Tâu Hoàng hậu, chị em chúng tôi cũng sẽ đi xuất gia một lượt với Hoàng hậu.


- Nếu được vậy thì quý lắm chị em ạ.


- Tâu Hoàng hậu, được lắm.


Sau khi cho thắng ngàn chiếc xe, Hoàng hậu đích thân ngự lên một chiếc, cùng với các mệnh phụ phu nhân khởi hành, rời bỏ kinh đô.



Dọc đường, Hoàng hậu thấy con sông thứ nhứt, cũng đã phán hỏi như quốc vương lúc trước. Khi đã nghe rõ tự sự, Hoàng hậu khiến các phu nhân tìm xem quốc vương đã đi về ngả nào.


- Tâu Hoàng hậu, chúng tôi không thấy dấu chân của những tuấn mã đâu cả.

Nghe vậy, Hoàng hậu đoán rằng: “Có lẽ hoàng thượng đã phát nguyện, đem cả

tấm chân thành ra đi tầm cầu Tam Bảo, cho nên đã đi trót lọt”. Nay ta cũng ra đi tầm cầu Tam Bảo. Xin nhờ oai lực Tam Bảo mà nước sông nầy không giống như nước thường.


Chú tâm niệm ân đức Tam Bảo, Hoàng hậu ra lịnh cho một ngàn chiếc xe vượt qua sông. Mặt nước khi ấy đặc cứng như mặt đá băng, các vành bánh xe lăn qua không dính chút nước nào cả.

Cũng bằng cách ấy, mà đoàn xe lữ hành vượt qua hai con sông kia. Đức Bổn Sư biết rằng Hoàng hậu và các phu nhân sắp đến, bèn khiến cho những Tỳ khưu đang ngồi gần bên Ngài biến mất hình dạng.


Đoàn phụ nữ quý tộc đang đi, bỗng thấy những tia ánh sáng từ kim thân Đức Phật phóng ra, cũng có ý nghĩ như quốc vương lúc trước, bèn đến đảnh lễ Ngài rồi đứng nép qua một bên.

- Bạch Ngài, Đức vua Mahākappina đã ra đi để tìm Ngài. Theo chúng con tưởng,

chắc có lẽ Đức vua đã đến đây rồi. Vậy nhờ Ngài từ bi chỉ giùm chúng con biết, hiện giờ Đức vua ở đâu?


- Các bà hãy ngồi xuống đây đi, rồi ta sẽ chỉ cho thấy Đức vua.


Tất cả phụ nữ quý tộc đều hài lòng, ngồi xuống vừa thầm nghĩ: “Theo lời Ngài nói, chúng tôi ngồi nơi đây, rồi thì sẽ được gặp mặt các đấng lang quân”.


Đức Bổn Sư bắt đầu thuyết tuần tự pháp, nghe dứt thời pháp, Hoàng hậu Anoja cùng đoàn mệnh phụ thảy đều chứng đắc Tu Đà Hườn quả.


Đại đức Mahākappina ngồi nghe thời pháp của Đức Bổn Sư thuyết để tiếp độ các

nữ nhân ấy thì lại chứng đắc A La Hán quả cùng với Tuệ phân tích, cùng với ngàn vị Tỳ khưu tùy tùng chứng đạt như thế.


Ngay sát na ấy, Đức Bổn Sư khiến cho các nữ nhân được thấy chư Tỳ khưu đã đắc A La Hán quả (Người ta cho rằng: Lúc các mệnh phụ vừa đến mà gặp mặt ngay chồng mình cạo tóc, đắp y thì không thể giữ được tâm định tĩnh, do đó sẽ không chứng đắc đạo quả chi hết. Bởi thế cho nên, Đức Thế Tôn mới chờ khi họ đã có tín tâm kiên cố rồi mới khiến cho họ nhìn thấy chư Tăng A La Hán).


Khi nhìn thấy chư Thánh Tăng nầy, quý bà liền gieo năm vóc xuống đảnh lễ và bạch rằng: “Bạch chư Đại đức, lúc nầy chư Đại đức đã đạt đến mục đích tối cao của người xuất gia rồi chắc?”.

Kế đó, quý bà đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi đứng nép qua một bên ngỏ lời xin xuất gia (có một số người nói rằng: Nghe vậy, Đức Bổn Sư nghĩ đến nàng Uppalavaṇṇā, nàng biết được tư tưởng của Đức Thế Tôn, nên hiện đến nơi ấy, Đức Thế Tôn phán bảo Uppalavannā cho ngàn nữ nhân xuất gia, rồi đưa các Tỳ khưu Ni ấy trở về Jetavana Ni viện bằng thần thông lực).

Đức Bổn Sư bèn bảo các tín nữ ấy rằng: “Các con hãy đến thành Sāvatthī vào chùa Sư nữ mà xin xuất gia”.


Các tín nữ vâng lời ra đi, họ trải qua quãng đường xa một trăm hai mươi do tuần, lần hồi mới đến thành Sāvatthī, dọc đường họ được đại chúng đón đường cúng dường lễ vật rất vinh quang.

Sau khi đến Ni viện, được xuất gia Tỳ khưu ni, đoàn phụ nữ ấy về sau chứng đắc A La Hán quả cả thảy.


Đức Bổn Sư cũng dắt ngàn vị Tỳ khưu bay trở về Jetavana.

Tương truyền rằng: Đại đức Mahākappina hằng đi tới lui trong các nơi hàng hiên hoặc nơi nghỉ ngơi... cao hứng thốt lên câu: “Ôi sung sướng thay! Ôi sung sướng thay!”. Chư Tỳ khưu bèn bạch với Đức Thế Tôn:


- Bạch Ngài, Đại đức Mahākappina hằng đi tới lui cao hứng thốt lên câu: “Ôi

sung sướng thay! Ôi sung sướng thay!”. Có lẽ Đại đức muốn nhắc lại thời sung sướng vương giả của mình chăng?


Đức Bổn Sư cho gọi Đại đức đến và phán hỏi:

- Nầy Mahākappina, nghe nói rằng ông hồi tưởng đến thời sung sướng vương giả, toại hưởng ngũ trần, nên thốt lên những lời cao hứng phải chăng?


- Bạch Thế Tôn, Ngài vẫn biết con có hay là không có thốt ra lời cao hứng vì hồi

tưởng đến dục lạc ngũ trần rồi.


Đức Bổn Sư xác nhận rằng: “Nầy các Tỳ khưu, con trai Ta không phải vì ngũtrần dục lạc, sự sung sướng vương giả mà thốt lên lời cao hứng đâu. Pháp hỷ đã phát sanh đến con trai Ta, và con trai Ta đã nếm vị của Bất tử Níp Bàn nên mới thốt lên câu cảm hứng khái thế ấy vậy”.


Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận bằng bài kệ:


“Dhammapīti sukhaṃ seti,

Vippasannena cetasā;

Ariyappavedite dhamme,

Sadā ramati paṇḍitoti”.


"Pháp hỷ đem an lạc,

Với tâm tư thuần tịnh;

Người trí thường hoan hỷ,

Với pháp bậc Thánh thuyết".



145 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page