“Udakaṃ hi nayanti nettikā, Usukārā namayanti tejanaṃ; Dāruṃ namayanti tacchakā, Attānaṃ damayanti paṇḍitāti.” | "Người trị thủy dẫn nước, Kẻ làm tên nắn tên, Người thợ mộc uốn gỗ, Bậc trí nhiếp tự thân". |
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự an tại Jetavana, đề cập đến Sa di Paṇḍita (Trí Giả).
Vào thời quá khứ, có một lần nọ Đức Chánh Biến Tri Kassapa ngự vào thành Bārāṇasī, dắt theo hai muôn vị Tháng Lậu Tận.
Dân chúng tự lượng sức mình, rủ nhau từng nhóm tám người cũng có, mười người cũng có, chung lo tiếp đãi chư Tăng mới đến, nhứt là bố thí cúng dường tứ vật dụng.
Thế rồi, một hôm sau khi thọ thực, Đức Thầy nhân dịp nầy tỏ lời hoan hỷ cuộc phước thí, thuyết giảng như sau:
- Nầy các thiện gia tử, nơi đây có một số người nghĩ rằng: “Ta nên xuất của nhà ra, tự mình làm việc phước thí, cần gì kêu rủ ai khác làm chi?”. Thế rồi, những người nầy tự mình làm việc phước chớ không kêu rủ ai khác cả. Trong kiếp tái sanh, họ được tài sản dồi dào, nhưng không được đông đảo người tùy thuộc. Lại có một số người nữa chỉ kêu gọi người làm phước còn tự mình chẳng bố thí chi cả, cho nên trong kiếp vị lai họ được nhiều người tùy thuộc, nhưng tài sản chẳng được dồi dào.
Còn một số người tự mình không bố thí, cũng không kêu gọi ai bố thí thì trong kiếp vị lại họ không thể nào được phú túc về mặt tài sản và tùy thuộc cả. Trái lại họ còn nghèo túng đến nổi phải xin ăn cơm thừa cá cặn mà sống qua ngày. Một số người tự mình làm phước bố thí và kêu gọi người khác bố thí thì kiếp sau họ được đầy đủ phước báu, tài sản dồi dào, tùy thuộc đông đảo.
Nghe vậy, một người nam là bậc có trí, đứng gần nghĩ thầm rằng: “Bây giờ ta sẽ làm theo cách của nhóm người thứ tư, để sau nầy được dồi dào về cả hai mặt”. Ông đảnh lễ Đức Bổn Sư và bạch rằng:
- Bạch Ngài, ngày mai xin các Ngài hãy thọ bát của chúng con.
- Ông cần bao nhiêu Tỳ khưu?
- Bạch Ngài! Chư Tăng theo Ngài có được là bao nhiêu vị Tỳ khưu?
- Hai muôn vị Tỳ khưu.
- Bạch Ngài, con xin Ngài với tất cả chư Tỳ khưu ngày mai hãy thọ cơm bát của con.
Đức Bổn Sư im lặng nhận lời.
Thiện nam có trí ấy đi vào làng báo tin cho dân chúng hay:
- Các người ơi! Tôi thỉnh được chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật là vị tọa chủ, ngày mai đến thọ bát nơi nhà tôi. Các người ai có sức hộ độ được bao nhiêu vị Tỳ khưu thì hãy hộ độ bấy nhiêu vị.
Nghe vậy, dân làng tùy theo sức mình, người thì nói: Chúng tôi sẽ để bát mười vị, chúng tôi hai mươi vị; chúng tôi năm trăm vị… Thiện nam ấy lấy giấy ghi tất cả danh sách thí chủ ấy, từ đầu đến cuối.
Thuở ấy, trong thành có chàng nông dân nghèo khó, quá đói nghèo, nên mọi người gọi là là Mahāduggata (Đại Bần Khổ). Gặp anh ta, thiện nam ấy cũng rủ:
- Nầy bạn Mahāduggata! Ngày mai tôi thỉnh Tỳ khưu Tăng có Đức Phật dẫn đầu đến tại nhà tôi, ngày mai dân thành sẽ cúng dường làm phước. Vậy phần bạn, bạn lãnh để bát bao nhiêu vị Tỳ khưu?
- Dạ thưa ông, nhà tôi mà ông hỏi để bát Tỳ khưu ư? Để bát cho Tỳ khưu phải là người giàu có, còn tôi buổi sáng kiếm một nhúm gạo để nấu cũng chẳng có thay. Tôi làm thuê làm mướn sống lay lất qua ngày, tôi biết lấy chi để bát Tỳ khưu mà ông kêu gọi.
Người đi khuyên nhủ người khác làm phước phải là người khéo nói, mới thuyết phục người khác làm theo mình được. Bởi vậy, ông thiện nam dầu nghe anh Mahāduggata than túng, cũng không làm thinh mà nói tiếp rằng: “Nầy bạn Mahāduggata, trong thành nầy, có nhiều người ăn ngon, mặc áo đẹp, nằm trên giường ngà chiếu ngọc, thân thể thì trau dồi, đeo giắt nhiều loại nữ trang quý giá. Họ thì hưởng phước lộc dồi dào như vậy, còn bạn thì mỗi ngày phải làm thuê làm mướn cực khổ, kiếm ăn cũng chưa no bụng. Thế mà bạn chẳng nghĩ biết gì rằng: “Vì ta không gieo chút ít phước chi trong quá khứ, cho nên trong đời nầy ta chẳng hưởng được chút ít quả gì ư?”.
- Thưa ông, tôi biết lắm chứ.
- Thế thì tại sao bây giờ bạn không làm phước? Bạn còn trẻ trung, đầy sức mạnh. Nếu bạn làm thuê lãnh tiền công rồi, tùy theo sức mình mà làm phước bố thí, há chẳng nên ư?
Trong lúc ông thiện nam đang dùng tài hùng biện để giảng giải, thì anh Mahāduggata phát sanh kinh cảm (saṃvegappatto), bèn hứa rằng: “Làm thuê được nhiều ít chi, tôi cũng sẽ để bát một vị Tỳ khưu”. Ông thiện nam không ghi vào sổ, vì cho rằng: “Có một Tỳ khưu thì biên vào sổ để làm chi?”.
Ông Mahāduggata về nhà bảo vợ rằng:
- Nầy hiền nội, mai nầy dân chúng trong thành sẽ đặt bát Trai Tăng, ông hội trưởng có gọi anh để bát, hộ độ một vị Tỳ khưu. Và anh cũng đã hứa: “Ngày mai chúng tôi sẽ để bát hộ độ một vị Tỳ khưu”.
Khi ấy, vợ chàng không nói: “Chúng ta nghèo túng, sao anh nhận lời làm chi?”, mà nàng lại nói rằng: “Thưa chàng, chàng nhận lời là phải lắm. Chúng ta trong kiếp trước không bố thí chút gì, nên kiếp nầy sanh ra gặp cảnh khốn cùng. Vậy hai vợ chồng ta hãy đồng đi làm thuê để góp tiền công, lo sớt bát hộ độ một vị Tỳ khưu”. Nói rồi, hai vợ chồng đồng ra khỏi nhà, đi đến chỗ chợ thuê người làm công (bhattiṭṭhānaṃ).
Ông đại Trưởng giả trông thấy chàng Mahāduggata thì hỏi:
- Nầy Mahāduggata, chú làm được công việc chi chăng?
- Dạ được, thưa ông chủ. - Chú làm được việc chi? - Dạ bất cứ việc gì mà ông chủ sai bảo con làm.
- Thế thì, mai nầy ta có thỉnh để bát hai trăm, ba trăm vị Tỳ khưu. Chú em hãy đến bửa củi nghe. Đại Trưởng giả bảo người nhà mang dao, búa ra trao cho Mahāduggata. Anh buộc thắt lưng lại cho thật chặt, ráng sức bửa củi, khi thì dùng dao, khi thì thay búa, làm liền tay tùy theo cây củi.
Thấy vậy, Trưởng giả hỏi rằng: “Nầy chú em, hôm nay chú em làm việc hết sức siêng năng, hăng hái là do cớ chi vậy?”.
- Thưa chủ! Vì mai nầy con được để bát cho một vị Tỳ khưu.
Nghe vậy, đại Trưởng giả phát tâm hoan hỷ, trong sạch đối với chàng Mahāduggata, vì nghĩ rằng: “Chà! Chuyện của chú nầy làm quả thật là khó lắm thay”. Chú làm thinh, không than thở là: “Tôi nghèo khổ”, còn xuất lực để làm thuê, và nói: “Tôi sẽ để bát một vị Tỳ khưu”.
Bà Trưởng giả khi thấy vợ chàng Mahāduggata cũng hỏi:
- Nầy con! Con là được việc chi?
- Dạ thưa, tùy bà chủ sai làm việc chi thì con làm việc ấy.
Nghe vậy, bà Trưởng giả dắt nàng vào trong trại giã gạo, khiến người nhà mang cối, chày trao cho chị ta. Chị hớn hở giã gạo, sàng gạo, làm việc nhanh nhẹn như người khiêu vũ. Thấy vậy, bà Trưởng giả hỏi rằng:
- Nầy con, con làm việc siêng năng vui vẻ hết sức là do cớ chi vậy?
- Thưa bà chủ, con làm thuê lấy công đặng chúng con cúng dường để bát đến một vị Tỳ khưu.
Nghe nàng nói như thế, bà Trưởng giả cũng phát tâm hoan hỷ và trong sạch với nàng, vì nghĩ rằng: “Chà! Cô nầy làm được một việc khó làm thật”. Đại Trưởng giả bảo gia nhân đong cho chàng Mahāduggata bốn gáo gạo Sālī và nói: “Đây là phần công một ngày bửa củi”, và ông còn sai cho thêm anh bốn gáo gạo nữa, bảo rằng: “Còn đây là phần thưởng cho sự siêng năng của anh”.
Chàng về nhà bảo vợ: “Phần anh làm thuê được lãnh tám gáo gạo Sālī, phần ấy để nấu cơm được rồi. Còn phần công của em, em hãy nài đổi lấy sanh tô, dầu và các món gia vị nghe”.
Vợ chàng thì được bà Trưởng giả trả công bơ lỏng và sanh tô, mỗi thứ một tô nhỏ và một tô gia vị cùng với một gáo gạo Sālī ròng. Như thế hai vợ chồng được lãnh tất cả là chín gáo gạo Sālī cùng đồ gia vị. Hai vợ chồng bảo nhau: “Chúng mình đã có đồ dâng cúng rồi”. Nhờ vui thích, sáng hôm sau hai người thức dậy thật sớm. Vợ bảo chồng rằng: “Anh ơi, anh hãy đi tìm lá (nấu cà ri) chắp sẵn đem về đây cho em”.
Anh Mahāduggata đi đến chợ tìm lá, nhưng không thấy có bèn thả ra bờ sông để hái lá. Trong tâm chàng vô cùng thỏa thích, vừa đi vừa hát nghêu ngao rằng: “Ta sẽ được để bát cúng dường các Ngài Đại đức”.
Một ngư phủ vùa ném cái chài xuống nước, đứng gần đó, nghe tiếng hát văng vẳng thì nghĩ rằng: “Đây chắc là tiếng của anh Mahāduggata”. Khi thấy chàng đến, người chài cá hỏi:
- Ồ! Có việc chi làm tâm anh thỏa thích lắm sao, mà anh ca hát nghêu ngao như vậy?
- Dạ tôi tìm lá anh ạ.
- Để làm chi vậy anh?
- Tôi sẽ để bát cúng dường đến vị Tỳ khưu.
- Chà! Vị Tỳ khưu nào được chiếc lá của anh chắc hạnh phúc lắm thay.
- Thưa anh, tôi làm sao tìm được lá cúng dường để bát?
- Thế thì, anh hãy lại đây.
- Dạ tôi đến để làm gì?
- Anh hãy lựa những con cá nầy, chia để riêng ra thành từng mớ, tùy theo giá tiền: Thứ một đồng (pāda), thứ nửa đồng và thứ một đồng vàng (kahāpaṇa). Anh Mahāduggata làm đúng theo lời dặn. Từng mớ, từng mớ cá đã xỏ xâu sẵn, được dân chúng trong kinh thành lần lượt đến mua đem về để cúng dường sớt bát chư Tỳ khưu mà mình đã thỉnh.
Anh Mahāduggata vừa phân chia hết đống cá từng xâu xong thì đã đến giờ để bát. Anh sợ trễ liền nói với người chài:
- Tôi phải về anh à, về cho kịp giờ rước chư Tăng.
- Còn mớ cá nào không vậy?
- Thưa, hết sạch cả rồi.
- Nếu vậy, còn bốn con cá thu của tôi để dành ăn, tôi vùi dưới cát. Nếu anh muốn để bát cúng dường Tỳ khưu thì anh hãy đào lên mà lấy đem đi.
Và anh thợ chài cho Mahāduggata cả bốn con cá thu.
Ngày ấy, trong buổi sáng tinh sương, Đức Bổn Sư quán xét thế gian, thấy anh Mahāduggata lọt vào giác võng của Ngài: “Chuyện gì sẽ xảy ra?”. Quán thêm nữa, Ngài thấy rằng: “Anh Mahāduggata nầy, cùng vợ anh, ngày hôm qua đã làm thuê để lấy tiền công mua sắm đồ để bát một vị Tỳ khưu”. Ngài tự hỏi: “Anh ta sẽ gặp được vị Tỳ khưu nào?”. Quán tiếp, thì Ngài biết rằng: “Mọi người coi theo bảng ghi danh các Tỳ khưu mà mình thỉnh để bát, sẽ thỉnh các vị ấy về nhà mình. Riêng chàng Mahāduggata nầy, ngoài Ta ra thì sẽ không được vì Tỳ khưu nào khác cả”.
Theo truyền ngôn thì chư Phật hằng tế độ những người nghèo khó, vì thế cho nên sáng hôm ấy, sau khi tắm gội, Đức Bổn Sư vào an ngự trong hương thất, nghĩ rằng: “Ta sẽ tiếp độ chàng Mahāduggtata”.
Trong khi chàng Mahāduggata xách cá đi vào nhà, thì ngai vàng bằng Thạch Anh vàng của Đức Đế Thích phát nóng lên. Thiên Vương biết rằng: “Ngày hôm qua, chàng Mahāduggata đã hứa: “Tôi sẽ đặt bát vị Tỳ khưu”, rồi cùng vợ đi làm thuê, anh ta sẽ gặp được vị Tỳ khưu nào?”. Thiên Vương nghĩ như thế và được thấy rằng: “Anh không được vị Tỳ khưu nào khác ngoài Bậc Chánh Đẳng Giác”. Hiện Ngài đang an ngự trong hương thất, nghĩ rằng: “Ta sẽ tiếp độ chàng Mahāduggata”.
Và Mahāduggata tự mình phải lo cho có thực phẩm xứng đáng như cháo, cơm và cà ri lá cẩm (paṇasūpeyya)... để cúng dường Đức Như Lai. Vậy ta hãy đến nhà Mahāduggata lãnh phần nấu nướng.
Hóa thành một người lạ mặt, Thiên Vương đi đến túp lều của Mahāduggata, ứng tiếng lên hỏi: “Ở đây, có công việc chi cần người làm không?”.
Thấy khách lạ, Mahāduggata hỏi:
- Nầy bạn, bạn làm được việc chi?
- Thưa ông chủ, tôi bá nghệ, không nghề nào mà tôi không biết cả. Nhất là nghề nấu nướng cơm cháo thì tôi rành lắm.
- Nầy bạn, chúng tôi rất cần tay bạn phụ giúp trong việc nầy, nhưng khổ nỗi chúng tôi không có tiền để trả công cho bạn.
- Thưa ông, ông cần việc chi?
- Chúng tôi đang cần người nấu nướng cháo cơm cho vị Tỳ khưu.
- Nếu ông sớt bát cúng dường đến Tỳ khưu, thì cần chi trả công cho tôi. Vậy ông
chia phước cho tôi chẳng quí hơn sao?
- Nếu được như vậy thì tốt lắm. Vậy mời bạn vào nhà.
Đức Đế Thích vào nhà Mahāduggata, bảo đem gạo ra cho mình, rồi giục anh rằng: “Thôi anh hãy đi thỉnh vị Tỳ khưu về phần anh để bát, rồi rước về đây”.
Vị Trưởng ban đứng trông coi cuộc đại thí, phân chia các nhóm Tỳ khưu. Tùy theo thứ tự trong bảng ghi danh sách thí chủ mà đưa chư Tăng đến nhà các thí chủ. Anh Mahāduggata đến gặp vị ấy và nói: “Xin cho tôi một vị Tỳ khưu lấy bát ở nhà tôi”.
Trong lúc ấy, vị Trưởng ban hộ Tăng mới chực nhớ lại, bèn đáp: “Tôi đã quên ghi vị Tỳ khưu của chú rồi”.
Anh Mahāduggata nghe như bị dao nhọn, bén cắt vào bụng mình. Anh ôm chập lấy hai tay khóc than, kể lể rằng: “Ông ơi! Sao ông nỡ giết hại tôi chi? Hôm qua nghe lời ông kêu rủ, tôi với vợ tôi làm mướn trọn ngày lấy tiền công và sáng hôm nay tôi đã phải thả ra mé sông mà kiếm lá cẩm về nấu canh. Ông ơi, ông hãy cho tôi một vị Tỳ khưu đi, ông ơi...”.
Nhiều người tụ hội lại, hỏi rằng: “Việc gì thế? Nầy anh Mahāduggata!”, anh liền thuật lại hết tự sự. Họ bèn hỏi ông Trưởng ban hộ Tăng rằng:
- Anh ta nói rằng ông đã kêu gọi anh ta hãy đi làm việc phước. Anh đã đi làm thuê để được để bát cho một vị Tỳ khưu. Có thật vậy hay chăng?
- Thưa các Ngài, có ạ.
- Việc làm của ông là quấy lắm. Ai lại lo phân chia bấy nhiêu vị Tỳ khưu như thế, lại chẳng để cho anh ta được một vị.
Vị Trưởng ban nghe đại chúng trách cứ, lấy làm hổ thẹn, bảo chàng Mahāduggata rằng: “Nầy bạn Mahāduggata, xin bạn đừng giết hại tôi, tôi vì bạn mà khổ tâm hết sức. Mọi người tùy theo bản nêu danh sách sắp sẵn mà thỉnh các Tỳ khưu về nhà của mình lấy bát cả rồi, không còn sót lại vị Tỳ khưu nào nữa mà giao lại cho anh cả.
Bây giờ, chỉ có Đức Bổn Sư, sau khi rửa mặt, đang tĩnh tọa trong Hương thất. Bên ngoài, các Tiểu vương, đại thần... đang chờ trông, tính rằng: “Chúng ta ở đây đợi Ngài ra khỏi Hương thất, tiếp đón và lãnh bát của Ngài đem đi”. Thường thì chư Phật hay tế độ những người khốn khó. Vậy anh hãy vào chùa xin với Đức Thầy: “Bạch Ngài, con là kẻ khốn cùng, xin Ngài từ bi tế độ cho con”. Nếu anh hữu phước may ra anh sẽ được Ngài chấp thuận”.
Anh Mahāduggata bèn đi đến chùa.
Thấy anh ta, các tiểu vương, đại thần... tưởng lầm anh là người ăn xin tàn thực như những người khác, bèn nói rằng:
- Nầy Mahāduggata, bây giờ chưa phải là giờ thọ thực, mà chú đến làm chi?
Anh đáp: “Dạ thưa tôi biết chưa tới giờ thọ thực, tôi đến để đảnh lễ Đức Bổn Sư”. Vừa nói, anh ta vừa phủ phục xuống, đập đầu lên ngưỡng của Hương thất, lạy rồi bạch rằng:
- Bạch Ngài, trong kinh thành nầy, không có ai nghèo khổ hơn con. Xin Ngài hãy là người bảo trợ cho con. Xin Ngài hãy tế độ cho con đi.
Đức Bổn Sư mở cửa Hương thất, lấy bát của Ngài đặt trên tay của anh Mahāduggata. Anh ta vui mừng sung sướng như được tôn lên làm Chuyển Luân Vương. Các tiểu vương, đại thần trố mắt nhìn nhau. Quả thật, bát của Đức Thế Tôn trao cho thanh niên Mahāduggata rồi thì không ai có thể dùng quyền lực nào mà lấy lại được cả. Các vương tử đồng nói: “Nầy bạn Mahāduggata, bạn hãy giao bát của Đức Bổn Sư lại cho ta đi, chúng ta sẽ trả bạn một số tài vật như thế... Bạn đang nghèo khổ, hãy lấy tiền của đi, chớ lấy bát mà làm gì?”.
Mahāduggata đáp: “Dầu sao đi nữa, tôi cũng không giao bát, tiền của thì tôi không cần, tôi chỉ cần để bát cúng dường Đức Bổn Sư mà thôi”. Các tiểu vương nài nỉ lấy bát không được liền trở về cung. Quốc vương nghĩ thầm: “Gã Mahāduggata nầy, dầu đem cả tài sản ra dụ dỗ, gã cũng chẳng giao bát, nhứt định tự mình cúng dường Đức Thế Tôn, không ai có thể giành lấy được với gã. Gã sẽ cúng dường thực phẩm loại nào? Trẫm phải chờ đến giờ gã cúng dường rồi, ra rước bát Đức Thế Tôn về cung, để bát Ngài những vật thực đã sắp sẵn”.
Nghĩ rồi, đức vua đi cùng với Đức Bổn Sư.
Thiên vương Đế Thích đã dọn sẵn cơm, cháo, cà ri... lấy tọa cụ của Đức Bổn Sư trải ra, rồi ngồi nghỉ.
Anh Mahāduggata rước Đức Thế Tôn về đến nhà, thỉnh rằng:
- Xin thỉnh Ngài ngự vào nhà con.
Túp lều của anh ta thấp lụp xụp, nếu không khom lưng cúi đầu thì không thể vào được. Chư Phật không bao giờ cúi đầu đi vào nhà. Thật vậy, vì khi Ngài bước vào nhà, thì mặt đất lõm xuống, và cái nhà thì lại vươn lên cao. Đây là do quả phước của hạnh bố thí tốt đẹp của các Ngài. Khi các Ngài trở ra đi thì tất cả đều hườn y lại như thường. Bởi thế, Đức Bổn Sư cứ thẳng người mà đi vào trong nhà rồi ngự lên bảo tọa của Đức Đế Thích dọn sẵn.
Khi Đức Bổn Sư an tọa, quốc vương hỏi rằng:
- Nầy Mahāduggata! Trẫm và chư vương tử hỏi xin lấy bát của Đức Thế Tôn, nhưng bạn vẫn một mực chối từ. Vậy bây giờ trẫm muốn xem bạn cúng dường đến Đức Thế Tôn đến mức nào cho biết.
Khi ấy, Đức Đế Thích giở nắp các nồi cháo, cơm ra cho vua ngửi thấy. Mùi thơm bát ngát từ các nồi xông ra, tỏa lan khắp cả châu thành, quốc vương nhìn các món thực phẩm, rồi bạch cùng Đức Bổn Sư:
- Bạch Ngài! Quả nhân nghĩ thầm: “Lễ vật cúng dường của Mahāduggata sẽ trọng hậu bậc nào, trẫm chờ cho gã để bát rồi, trẫm sẽ rước Ngài về cung mà dâng vật thực đã soạn sẵn. Vì nghĩa vậy nên trẫm mới đến đây. Nhưng vật thực như vầy, trẫm chưa từng thấy, nếu trẫm đứng mãi ở đây, sợ làm rộn cho Mahāduggata, vậy trẫm xin cáo từ lui gót”.
Quốc vương đảng lễ Đức Bổn Sư rồi ra đi. Nói về Đức Đế Thích, sau khi dâng cháo đến Đức Bổn Sư rồi, thì chăm lo tiếp đãi Ngài rất kỹ lưỡng. Đức Bổn Sư thọ thực xong, tụng kinh phúc chúc cho thí chủ, rồi từ bảo tọa đứng lên, ngự ra đi.
Đức Đế Thích ra dấu cho Mahāduggata, anh bèn ôm bát đi theo sau Đức Thế Tôn. Đức Đế Thích quay trở vào, đứng ngay cửa nhà anh Mahāduggata, nhìn lên trời, từ trên hư không, vật báu rớt xuống như mưa, đầy hết các lu khạp rồi tràn ra đầy nhà của Mahāduggata, không có chỗ nào trống cả.
Đức Thế Thích quay trở vào, đứng ngay cửa nhà Mahāduggata, khi ấy, vợ và con trai của Mahāduggata ra đứng ở ngoài sân.
Sau khi tiễn chân Đức Bổn Sư, anh Mahāduggata quay trở về, trông thấy lũ trẻ đứng ngoài sân, bèn hỏi:
- Có việc gì đây?
- Anh à! Khắp nhà ta bây giờ tràn ngập bảy báu, không còn chỗ nào trống để chúng ta vào trong. Mahāduggata nghĩ thầm: “Do nhờ phước báu ta cúng dường hôm nay, nên ta mới được ban thưởng như vậy”.
Anh bèn vào triều bái yết quốc vương, nghe quốc vương phán hỏi: “Khanh đến
có việc chi?”, anh đáp:
- Tâu hoàng thượng! Nhà con chứa đầy vật báu, xin hoàng thượng hãy nạp dụng những vật báu ấy.
Đức vua nghĩ thầm: “Ôi! Sự cúng giường lễ vật đến chư Phật đưa đến phước tối cao phát sanh hiện tiền như thế”.
Đức vua phán hỏi: “Khanh cần có những gì?”.
- Xin hoàng thượng hãy ban cho ngàn cỗ xe bò đi chở những vật báu ấy, đem về chất đống nơi giữa sân rồng.
Đống báu vật ấy cao ngùn ngụt đến ngọn cây thốt nốt. Đức vua cho triệu tập dân chúng trong thành vào triều, quốc vương phán hỏi:
- Trong thành nầy có ai có được bấy nhiêu bảo vật như vầy chăng?
- Tâu bệ hạ, không có.
- Vậy thì ta nên làm gì với người chủ kho tàng nầy?
- Tâu bệ hạ, bệ hạ hãy phong chức Trưởng giả cho người ấy.
Quốc vương ban thưởng cho Mahāduggata trọng hậu và ban chức đại Trưởng giả đến anh. Kế đó, đức vua chỉ chỗ nền nhà cũ của Trưởng giả và phán rằng: “Nầy khanh, hãy chỉnh trang nơi ấy và cất lâu đài lên mà ở”.
Trong lúc quét dọn và san bằng mặt đất, những người làm khi cuốc đất nơi nầy, nơi nọ, phát giác được những ché đựng đồ chôn giấu đã di chuyển khỏi vị trí cũ.
Mahāduggata trình báo lại đức vua, đức vua phán rằng:
- Đó là phần phước của khanh, khanh cứ giữ lấy mà dùng.
Mahāduggata cất xong dinh thự, bèn thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến tư gia để cúng dường. Từ đó về sau anh làm phước suốt đời. Đến khi hết tuổi thọ, được sanh về nhàn cảnh, hưởng lộc trời suốt một khoảng thời gian hai đời vị Phật. Cho đến thời Đức Phật hiện tại, anh mệnh chung từ Thiên giới, tái sanh vào lòng của một tiểu thư con nhà Trưởng giả, là một gia tộc thiện tín đệ tử của Đại đức Sāriputta cư ngụ trong thành Sāvatthī.
Khi cha mẹ biết thai đậu thì lo chăm nom thuốc thang bảo dưỡng thai nhi. Khi thai đã lớn, bà mẹ phát sanh chứng thèm kỳ lạ. Bà ao ước: “Ôi! Phải chi ta được cúng dường, sớt bát năm trăm vị Tỳ khưu, có Đại đức Sāriputta dẫn đầu, với thực phẩm ngon lành như cá thu, rồi ta đắp y vàng, ngồi phía sau Tăng chúng, dùng những vật thực của chư Tăng dùng dư thừa sớt cho ta”.
Nghĩ rồi, dựng phụ ngỏ lời cho cha mẹ biết và thực hành ý định ấy. Bịnh ốm nghén liền dứt.
Từ đó về sau, trong bảy cuộc lễ trong gia tộc, thí chủ lại cúng dường sớt bát năm trăm vị Tỳ khưu, có Đại đức Sāriputta dẫn đầu, với món vật thực đặc biệt là cá thu (đoạn nầy giải rộng ra y như tích công tử Tissa).
Đó là do phước báu của Mahāduggata lúc trước đã cúng dường cá thu, bây giờ trổ quả như vậy.
Đến ngày lễ đặt tên con, thiếu phụ bạch với Đại đức Sāriputta:
- Bạch Ngài! Xin Ngài truyền giới cho kẻ tôi tớ của Ngài.
Nghe người mẹ bạch, Đại đức hỏi:
- Đứa bé trai nầy tên chi?
- Bạch Ngài! Kể từ khi con thọ thai về sau, trong nhà nầy dầu là kẻ ngu khờ cũng trở nên bậc trí giả, cho nên con mới đặt tên là Paṇḍita (Trí Giả Tử).
Đại đức truyền giới cho đứa hài nhi. Kể từ ngày đứa con chào đời, tự nhiên bà mẹ phát tâm nguyện rằng: “Ta nhất định sẽ không phá hoại căn lành của con trai ta”.
Đến khi lên bảy, cậu con trai ngỏ ý với bà mẹ:
- Thưa mẹ, con sẽ xuất gia với Đại đức.
Bà mẹ liền tán thành rằng:
- Tốt lắm con, mẹ đã phát nguyện là sẽ không phá hoại căn lành của con. Nói rồi, bà thỉnh Đại đức đến cúng dường để bát, bạch rằng: “Bạch Ngài! Kẻ tôi tớ của Ngài, nó muốn xuất gia. Để chiều nay con sẽ mang nó vào chùa”.
Tiễn chân Đại đức về chùa rồi, bà triệu tập quyến thuộc báo tin cho họ biết rằng: “Hôm nay là ngày cuối cùng con trai tôi là tại gia cư sĩ, nên tôi thết đãi nó một buổi tiệc tiễn hành xứng đáng”.
Sau bữa tiệc long trọng, bà mẹ dắt con trai đến chùa giao cho Đại đức và bạch rằng: “Xin Ngài cho hài tử nầy xuất gia”. Đại đức nói: “Đời sống của người xuất gia rất khó khăn, nhiều cực nhọc lắm”. Cậu bé đáp:
- Bạch Ngài, con sẽ tuân hành theo huấn từ của Ngài.
Nghe vậy, Đại đức nói: “Nếu vậy thì con hãy lại đây”.
Đại đức truyền giáo năm chi đầu của đề mục tham thiền ba mơi hai thể trược, khởi đầu bằng tóc để làm phép xuất gia Sa di cho cậu Paṇḍita.
Cha mẹ của Sa di Paṇḍita lưu lại chùa trong bảy ngày để làm phước Trai Tăng, cúng dường thực phẩm là cá thu đến chư Tăng có Đức Phật là tọa chủ. Chiều ngày thứ bảy, hai ông bà mới trở về nhà. Qua ngày thứ tám, lúc đi vào làng khất thực, Đại đức dẫn theo Sa di Paṇḍita, chớ Ngài không đi chung với chư Tăng. Tại sao vậy? Vì Sa di mới tu, cách đắp y mang bát hoặc trong bốn oai nghi chưa được tề chỉnh nghiêm trang.
Vả lại, trong chùa Đại đức cũng có nhiều phận sự phải làm, trong lúc chư Tăng vào làng khất thực thì Đại đức dạo khắp trong chùa để quét dọn, đổ đầy nước uống, nước xài vào những lu khạp còn trống… sắp lại những giường, ghế dài để sái chỗ… Xong đâu đó rồi, Ngài mới đi vào làng khất thực. Một lẽ nữa, Đại đức nghĩ rằng: “Chúng ta đừng để cho nhóm ngoại đạo buông lời chỉ trích như vầy, khi họ vào viếng chùa: “Chúng ta hãy nhìn xem chỗ ngồi của các đệ tử Sa môn Gotama như thế nầy”.
Chỉ khi nào nhìn thấy khắp chùa chu đáo rồi, Đại đức mới đi vào làng khất thực. Cho nên ngày ấy, sau khi xong công việc tại chùa, Đại đức bảo Sa di Paṇḍita theo Đại đức đi vào làng. Đang đi với Thầy Tế độ, dọc đường Sa di nhìn thấy một lạch nước, Sa di hỏi:
- Bạch Ngài, cái nầy gọi là gì?
- Nầy Sa di, tên nó là lạch nước.
- Người ta dùng nó để làm gì?
- Người ta dẫn nước đi đến chỗ nầy, chỗ nọ, để tưới vào ruộng của mình.
- Bạch Ngài, nước có tâm thức chăng?
- Không có đâu, nầy Sa di.
- Bạch Ngài, một vật không có tâm thức mà người ta dẫn dắt đến chỗ người ta muốn để làm công việc, thì tại sao những chúng sanh có tâm lại chẳng thể tự điều chế tâm mình để hành Sa môn pháp?
Đi thêm đoạn nữa, Sa di tự mắt trông thấy người thợ làm tên đang hơ cây gậy cứng bằng lõi cây trên lửa nóng để uốn cho ngay thẳng, bèn hỏi:
- Bạch Ngài, những người nầy gọi là chi?
- Gọi là thợ làm tên, Sa di à.
- Họ đang làm chi đó, Bạch Ngài.
- Họ đang hơ lửa một khúc cây có lõi cứng để uốn cho thẳng.
- Bạch Ngài, cây ấy có tâm thức chăng?
- Không có tâm đâu, nầy Sa di.
Sa di nghĩ thầm: “Nếu một khúc cây vô tâm mà người ta có thể hơ lửa cho thẳng được, thì tại sao những chúng sanh hữu tâm lại chẳng có thể tự điều chế tâm mình để hành Sa môn pháp?”.
Lại đi thêm một đỗi nữa, Sa di trông thấy nhiều thợ mộc đang làm căm, vành, đùm xe, bèn hỏi:
- Bạch Ngài, những người nầy kêu là chi?
- Gọi là thợ mộc, Sa di à.
- Họ đang làm cái chi thế?
- Họ lấy cây làm thành đùm, bánh xe, vành xe của những chiếc xe nhỏ.
- Những vật ấy có tâm không, bạch Ngài?
- Không có tâm đâu, Sa di à.
Khi ấy, Sa di Paṇḍita suy nghĩ: “Nếu như người ta có thể lấy cây rừng là vật vô tâm làm thành bánh xe thì tại sao những chúng sanh hữu tâm lại chẳng có thể tự điều chế tâm mình để hành Sa môn pháp?”.
Sa di suy nghĩ thấy được những lý lẽ trên đây chín chắn rồi, bạch rằng: “Bạch Ngài, nếu y bát nầy của Ngài thì xin Ngài hãy cầm giữ lấy, con cần phải trở về chùa”.
Đại đức không nghĩ trong tâm rằng: “Ông nhỏ nầy mới xuất gia Sa di, lúc đang đi sát bên ta mà còn nói như thế à”.
Nhưng Đại đức bảo rẳng: “Hãy đưa đây, nầy Sa di”.
Nói rồi, Đại đức tự cầm giữ lấy y bát của mình, Sa di đảnh lễ Thầy Tế độ, rồi quay trở lại, miệng còn nói:
- Bạch Ngài, khi Ngài lấy phần cơm của con mang về, xin Ngài hãy lấy phần
cơm cá thu cho con.
- Nầy con, làm sao ta có được.
- Bạch Ngài, nếu như Ngài không có được do phước của Ngài, thì Ngài sẽ có được do phước của con.
Đại đức nghĩ thầm: “Nếu để Sa di nầy ngồi bên ngoài, e có sự tai hại nguy hiểm”, nên trao chìa khóa cho Sa di và dặn rằng: “Con hãy mở cửa cốc của ta, vào ngồi trong ấy”.
Sa di Paṇḍita vâng theo lời thầy dạy, ngồi tịnh trong thất của thầy. Khi ấy, do oai lực ân đức của Sa di, chiếc ngai vàng của Đế Thích nóng ran lên. Thiên Vương tự hỏi: “Tại cớ nào vậy?”. Quán xét thì thấy được Sa di Paṇḍita sau khi giao y bát lại cho thầy, trở về hành Sa môn pháp: “Ta cũng nên xuống nơi đó”.
Nghĩ rồi, Đế Thích triệu bốn vị Thiên Vương đến khiến rằng:
- Chư Thiên Vương hãy đi tuần gần tịnh xá Jetavana, đuổi chim, thú đi hết, lo việc canh phòng cho chu đáo.
Phán rồi, Thiên Vương ra lịnh cho Thái Âm Thiên Tử (Candadevaputta): “Hãy níu giữ mặt trăng lại”, ra lịnh cho Thái Dương Thiên Tử (Suriyadevaputta): “Hãy níu giữ mặt trời lại”.
Xong rồi, tự thân Thiên Vương làm người đứng cạnh giữ cái chốt quả lắc chuông cho Sa di. Trong tịnh xá lặng thinh, dù một tiếng lá khô rụng cũng không có.
Tâm của Sa di đến mức an tịnh, chỉ trong thời gian độ xong bữa cơm, ông chứng đạt đạo quả, đạt đến ba tầng Thánh đầu. Trong lúc Sa di đang ngồi trong tịnh xá, thì Đại đức Sāriputta nghĩ thầm: “Ta nên đến nhà ai để có thể kiếm được vật thực cho Sa di?”. Đại đức đi nhà một gia chủ hộ độ Đại đức, nơi đây trong ngày ấy, người ta có được nhiều cá thu, và đang chờ đợi Đại đức đến để đặt bát.
Khi thấy Đại đức đến gần, họ bạch rằng:
- Bạch Ngài, Ngài đến thật là đúng lúc. Xin thỉnh Ngài vào trong. Khi Đại đức vào trong nhà, họ dâng cháo vào kẹo bánh, điểm tâm xong, họ đặt bát cơm với vật thực là cá thu. Đại đức định mang bát ra đi, nhưng họ thỉnh: “Xin Ngài hãy thọ thực bát nầy đi, còn phần mang về tịnh xá chúng con sẽ dâng lên sau”.
Khi Đại đức dùng xong bữa rồi, họ xin bát không để ròng cơm cá thu đầy bát, rồi dâng đến tay Ngài.
Đại đức vội vã ra đi, nghĩ thầm: “Sa di của ta chắc hẳn đang đói bụng”.
Ngày hôm ấy, Đức Bổn Sư thọ thực trong lúc phải thời xong rồi và đã trở về tịnh xá. Ngài quán thấy rằng: “Sa di Paṇḍita đã trao bát lại cho Thầy, với ý niệm: “Ta sẽ hành Sa môn pháp”, và đã trở về liêu”. Ngài tự hỏi: “Sa di nầy có đắc được đạo quả chi chăng?”. Khi quán thấy, Sa di chứng đạt được ba quả Thánh, Ngài lại xét tiếp: “Sa di có thể chứng đắc A La Hán quả chăng?”. Và Ngài lại biết rằng: “Ông Sa di nầy có thể chứng đắc quả A La Hán”. Khi ấy, Đức Bổn Sư suy nghĩ: “Sāriputta đang hối hả đem cơm về cho Sa di sớm quá, chính là gây chướng ngại cho Sa di. Vậy ta hãy đón Sāriputta, hỏi ông ta bốn câu hỏi, khi ông ta giải đáp xong thì Sa di cũng chứng đắc A La Hán với Tuệ phân tích”.
Thế rồi, Đức Bổn Sư ngự ra đứng trước cổng tịnh xá, và khi Sāriputta đang về, Ngài hỏi Đại đức bốn câu hỏi, Đại đức đã giải đáp đầy đủ. Tương truyền rằng: Cuộc vấn đáp nầy đã diễn tiến như sau:
- Nầy Sāriputta, ông được vật chi?
- Bạch Ngài, là vật thực (āhāra).
- Cái gọi là vật thực, đem vật chi đến? Hỡi Sāriputta.
- Bạch Ngài, Thọ uẩn (vedanaṃ).
- Thọ uẩn đem vật chi đến? Hỡi Sāriputta.
- Bạch Ngài, Sắc uẩn (rūpaṃ).
- Sắc uẩn đem vật chi đến! Hỡi Sāriputta.
- Bạch Ngài, Xúc (phassaṃ).
Những lời vấn đáp vắn tắt trên, chúng ta nên hiểu rộng như sau: Do sự đói khát, chúng sanh dùng vật thực (āhāra), vật thực tiêu hóa từ lần mang đến sự thọ vui (sukhaṃ vedanaṃ). Trong khi sự thọ vui phát sanh lên do nhờ sự thỏa thích thọ dùng vật thực, thì toàn thân của con, nó có màu sắc tươi tốt, đầy đủ, như thế là thọ (vedanā)
đem đến Sắc (rūpaṃ). Nhờ sự an vui của Sắc phát sanh từ vật thực (āhārajarūpa) mà sự hỉ lạc (sukha somanasso) phát sanh. Bây giờ đây con thỏa mãn xứ (assādo) dầu ngồi hay nằm, lúc nào con cũng tiếp xúc với sự an vui (sukhasamphassaṃ).
Khi Đại đức Sāriputta giải đáp xong bốn câu hỏi như trên, thì Sa di Paṇḍita cũng vừa đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích.
Đức Bổn Sư bèn bảo với Đại đức: “Nầy Sāriputta, hãy đem cơm vào cho Sa di của ông ăn đi”.
Đại đức đến gõ cửa cốc, Sa di bước ra, thọ lãnh bát từ tay Đại đức, rồi đứng qua một bên, lấy quạt quạt hầu Thầy Tế độ. Đại đức bảo:
- Nầy Sa di, hãy dùng cơm đi.
- Bạch Ngài, còn Ngài thì sao?
- Ta dùng rồi, con cứ dùng đi.
Vị Sa di mới bảy tuổi đầu, xuất gia được tám ngày đã chứng đắc quả A La Hán như hoa sen vừa nở đẹp, bèn ngồi xuống quán tưởng bát cơm, rồi thọ dụng.
Khi Sa di rửa bát sạch sẽ đàng hoàng, Nguyệt thần phóng thích mặt trăng, Nhựt thần phóng thích mặt trời. Tứ Đại Thiên Vương giải tỏa sự giữ gìn bốn hướng, Đức Đế Thích cũng thôi không giữ chừng chốt nữa. Mặt trời đứng bóng, bóng chếch qua rất lẹ, thành ra mới đó mà đã xế chiều.
Chư Tỳ khưu bàn tán xôn xao rằng: “Bỗng nhiên đã xế tà, mặt trời từ trên đỉnh thượng đã trịch qua rất lẹ, có phải là chờ Sa di độ xong bữa, hay là sao vậy?”.
Đức Bổn Sư hiểu biết việc nầy, bèn ngự đến phán hỏi:
- Nầy chư Tỳ Khưu! Các ông đang thảo luận việc chi đó?
- Bạch Ngài, như thế, như thế…
- Đúng vậy, nầy các Tỳ khưu, trong lúc bậc hữu phúc (punnavato) đang hành Sa môn pháp, Nguyệt thần phải níu giữ chặt mặt trăng, Nhựt thần níu giữ mặt trời. Tứ Đại Thiên Vương canh giữ bốn hướng, Đức Đế Thích xuống giữ chốt cửa và chính ta là Đấng Chánh Đẳng Giác cũng không ngồi an nhiên được, nên giữ tại cổng Jetavana cho con trai ta.
Khi nhìn thấy những người dẫn thủy nhập điền bằng cống rãnh, những người thợ làm tên uốn thẳng cây tên và những thợ mộc bào gỗ, đẽo ván. Bậc trí giả lấy những đối tượng ấy làm đề mục tham thiền, rồi tự mình điều chế lấy mình đắc quả A La Hán như thế đó.
Sau khi giảng giải như vậy, Đức Bổn Sư thuyết giảng một thời pháp trong đó có bài kệ nầy:
“Udakam hi nayanti nettikā,
Usukārā namayanti tejanam;
Dārum namayanti tacchakā,
Attānam damayanti paṇḍitāti.”
"Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân".
Comments