“Manopubbaṅgamā dhammā, Manoseṭṭhā manomayā; Manasā ce paduṭṭhena, Bhāsati vā karoti vā, Tato naṃ dukkham anveti, Cakkaṃ’va vahato padaṃ”. | Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo. |
Kệ Pháp Cú này được thuyết tại đâu? Tại thành Sāvatthī (Xá Vệ). Nói về ai? –Về
Trưởng lão Cakkhupāla (Đại đức Hộ (Mù) Nhãn).
Tương truyền rằng:
Thưở ấy, trong thành Sāvatthī có ông Trưởng lão tên là Mahāsuvaṇṇa (Đại Kim)
là một bậc phú hào, gia tài đồ sộ, sự sản kinh dinh, nhưng lại hiếm muộn con cái.
Một hôm, nhân dịp đi tắm ở bến tắm về, dọc đường ông gặp một cây Đại lâm
thọ, tàng nhánh sum suê: “Trên cây nầy chắc có thọ thần oai linh ngự trị”. Nghe như
thế, ông bèn thuê công dọn sạch chỗ gốc cây, khiến xây một vòng tường rào và cho
trải cát bên trong, đoạn ông trần thiết cờ xí, trang hoàng cho cây đại thọ, rồi khấn vái
rằng: “Xin cho tôi có được một đứa con, dầu trai hay gái tôi cũng sẽ làm đại lễ cúng tế
Tôn thần”. Nguyện xong ông lui gót về nhà.
Rồi thì, không bao lâu vợ ông thọ thai, ông chăm lo thuốc thang cơm nước đầy
đủ cho bà để bảo dưỡng thai nhi. Mười trăng vừa mãn, bà trổ sanh một mụn trai, ông
Mahāsuvaṇṇa tin rằng: “Nhờ ta bảo hộ cây rừng, mới được đứa con cầu tự”. Nên ông
đặt cho nó là Pāla. Kế đó, bà lại sanh thêm một quý tử nữa, đứa con trai sau, phú ông
đặt tên là Culla Pāla (Tiểu Hộ) và đứa trước ông kêu là Mahā Pāla (Đại Hộ) cho khỏi
trùng nhau.
Khi hai trẻ lớn khôn, ông bà Mahāsuvaṇṇa lựa chỗ xứng đáng cho con kết mối
duyên lành. Tháng ngày qua, lần lượt mẹ cha thành người thiên cổ. Tất cả gia sản
được chia đồng đều cho hai anh em.
Thời bấy giờ, Đức Bổn Sư đã chuyển bánh xe Pháp bảo, sau khi tuần tự trải đi
hoằng hóa nhiều nơi, Ngài tạm dừng bước du hành ngự đến an ngự tại Jetavana
Mahāvihāra (Đại tự Jetavana), do nhà cự phú Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) đã xuất
của kho kiến tạo, phí tổn lên tới năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng. Nơi đây Đức
Phật đã khai thông con đường thiên giới và con đường Niết Bàn, tiếp độ vô số chúng
sanh chứng đắc đạo quả.
Đức Như Lai chỉ có lưu trú trong một mùa an cư (ba tháng mưa) tại ngôi chùa
Nigrodha vốn là công trình của hai lần tám muôn quyến thuộc trong hoàng tộc Thích
Ca (tám muôm bên họ ngoại và tám muôn bên họ nội).
Thế mà, tại Đại Tự Jetavana của ông Anāthapiṇḍika, Ngài đã an cư mùa mưa tất
cả là mười chín hạ và tại Pubbārāma (Đông Phương Tự) của bà Visākhā, xây cất với
phí tổn là hai trăm bảy mươi triệu tiền vàng (27 koṭi), Ngài cũng đã an cư mùa mưa
sáu hạ. Đó là nhờ công đức lớn lao của hai gia tộc nầy mà Đức Giáo Chủ đã ngự an
cư trong khoảng thời gian hai mươi lăm năm gần thành Sāvatthī.
Ông Anāthapiṇḍika cũng như bà Visākhā đại tín nữ, hằng ngày đến hầu cận Đức
Như Lai thường xuyên, mỗi ngày hai lượt và họ chẳng khi nào đến với tay không vì
mỗi lần từ nhà ra đi hai người đều nhớ rằng: “Mấy vị Sa di nhỏ đang mong chờ ta đến
dâng cúng (họ sẽ nhìn tay ta)”. Đi trước buổi ngọ, họ bảo gia nhơn cùng đi, mang theo
vật thực loại cứng và loại mềm, đi sau bữa ngọ họ cho mang theo năm món thuốc
ngừa bệnh (là bơ, sữa, mật, đường, dầu ăn) và tám thứ nước giải khát (nước cốt trái
cây như nước trâm, xoài, chuối viết, thanh trà, thị, cam…). Còn tại nhà riêng của mỗi
người luôn luôn lúc nào cũng dự bị sẵn sàng chỗ ngồi cho hai ngàn vị Tỳ khưu về
phần cơm nước, thuốc men vị sư nào cần dùng món chi đều được cúng dường theo
như ý muốn.
Tuy nhiên, không có ngày nào mà ông Anāthapiṇḍika hỏi Đức Thầy một câu về
đạo lý. Theo truyền ngôn thì sỡ dĩ ông không vấn đạo là vì ông quá tôn sùng ngưỡng
mộ Đức Bổn Sư, ông tự nhủ: “Đức Như Lai là một vị Phật Chí Tôn, một vị Vương chí
Thánh, thuộc dòng dõi quyền quý cao sang, nếu Ngài thấy ta hộ độ Ngài nhiều rồi
thuyết pháp cho ta nghe, sợ e ngài phải hơi hao tốn sức”.
Nhưng ông Anāthapiṇḍika vừa an tọa thì Đức Bổn Sư lại nghĩ rằng: “Trưởng
giả này cứ lo gìn giữ cho Ta, ở chỗ mà Ta chẳng cần chi phải gìn giữ”, trải qua bốn A
tăng kì (Asaṅkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (mahākappa) của quả địa cầu, Ta đã
từng cắt thủ cấp khôi ngô tuấn tú của chính mình, Ta đã từng móc mắt Ta, Ta đa từng
rứt thịt nơi quả tim Ta, Ta đã từng đoạn ly vợ con yêu dấu nhất đời mà Ta quý trọng
chẳng khác nào mạng sống của tự thân Ta, nhất nguyện để hoàn thành hạnh Pāramī
(Ba La Mật) ngõ hầu để có thể tuyên dương chánh pháp, phổ độ quần sanh. Cái ông
này cứ lo gìn giữ cho Ta cái chỗ mà Ta chẳng cần chi phải gìn giữ”. Thế rồi Đức Bổn
Sư thuyết ngay một thời pháp.
Thưở ấy, thành Savatthi rất là phồn thịnh và đông đúc dân cư, sau khi nghe Đức
Thế Tôn thuyết pháp thì phần lớn nhập dòng Thánh vức, chứng bậc Thinh Văn
(Sāvaka).
Chư Thánh cư sĩ Thinh Văn có hai phận sự: Buổi sáng thì lo để bát hộ chư Tăng,
buổi chiều thì cụ bị lễ vật để đi nghe pháp. Khi đi, các vị ấy cầm hương hoa trên tay
và dắt theo người để mang vải hoặc y, thuốc ngừa bệnh và nước giải khát.
Một hôm, Trưởng giả Mahāpāla trông thấy các Thánh cư sĩ Thinh Văn đi chùa
trên tay có cầm hương hoa, bèn hỏi: “Hàng đại chúng đi đâu mà đông vậy?”, có tiếng
trả lời rằng: “Đi nghe thuyết pháp”.
- Tôi cũng đi nữa.
Nói xong, Trưởng giả nhập theo đoàn người đi chùa. Đến nơi đảnh lễ Đức Bổn
Sư, rồi ngồi xuống một nơi sau cùng ngoài vòng cử tọa.
Trước khi thuyết pháp, chư Phật luôn luôn quán xét căn cơ và trình độ của thính
chúng rồi mới tùy nhân duyên mà giảng giải về pháp trọ trì Quy giới, hoặc pháp xuất
gia chẳng hạn. Bởi thế ngày ấy Đức Giáo Chủ sau khi quán xét căn cơ trình độ của
Trưởng giả Mahāpāla, Ngài đã thuyết bài pháp gọi là “Tuần tự pháp thoại”
(Anupubbīkathā), nghĩa là ngài lần lượt giảng giải liên tục về năm pháp kế tiếp nhau
từ bố thí, trì giới, các nhàn cảnh đến tội ngũ trần và phước báu của bậc xuất gia.
Ngồi yên nghe pháp, Trưởng giả Mahāpāla ngẫm nghĩ: “Khi mình lìa đời đi sang
thế giới bên kia, thì con trai con gái đều chẳng theo mình, nhà cửa ruộng vườn cũng
đều bỏ lại, thậm chí xác thân cũng không còn làm bạn đồng hành, nào có ích chi mà ta
mải miết đeo giai gánh nặng gia đình, ta phải xuất gia mới được”.
Đợi dứt thời pháp thoại, Trưởng giả đến gần Đức Bổn Sư và ngỏ lời cầu xin xuất
gia nhập đạo.
Khi ấy Đức Phật bèn hỏi:
- Ông có quyến thuộc nào để cần hỏi lại ý kiến (từ giã) không?
- Bạch Ngài! Con còn có đứa em trai!
- Vậy ông hãy về hỏi lại ý kiến của em ông đi.
- Dạ vâng.
Sau khi đảnh lễ tạm biệt Đức Phật, Trưởng giả Mahāpāla trở về nhà, cho mời
Trưởng giả Cullapāla đến và bảo:
- Em à! Tất cả tài sản hữu thức và vô thức (gồm có tôi tớ và súc vật, động sản và
bất động sản) trong nhà này anh giao hết cho em trọn quyền làm chủ.
- Còn anh thì sao? Thưa anh.
- Anh sẽ đến xuất gia với Đức Tôn Sư.
- Anh ơi, sao anh nói chi lời ấy, từ khi thân mẫu từ trần thì em sở cậy chỗ anh
thay vào chỗ mẹ. Đến khi thân phụ quá cố thì em cũng nhờ nơi anh thế chỗ của cha.
Vả lại anh là một bậc phú gia, của tiền thừa thải, anh cứ ở nhà mà làm việc phước đức
cũng được, hà tất anh phải xuất gia như vậy.
- Em ơi! Anh vừa được nghe chánh pháp của Đức Tôn Sư, Ngài đã thuyết một
thời pháp tuyệt diệu cả đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, giải rành ba tướng mong
manh (Saṇhasukhumaṃ) là Vô thường, Khổ não, Phi ngã khiến cho anh nghe qua
ngán ngẩm sự đời, không thể tiếp tục ở nhà mà mong kiện toàn đạo hạnh cao siêu, cho
nên anh phải xuất gia.
- Thưa hiện giờ anh cũng là thanh niên tráng kiện, xin hãy nán lại, chờ khi già cả
rồi hãy xuất gia.
- Em à, con người khi già nua thì chắc chắn tay chân không còn tự chủ, không
thể điều khiển theo như ý muốn của mình. Chính ngay bản thân hãy còn như vậy thay,
huống hồ là gia nhơn quyến thuộc, bởi thế anh không làm theo lời khuyến dụ của em,
trái lại anh sẽ đi ngay bây giờ để thực hành đầy đủ giới hạnh của bậc Sa môn.
“Jarājajjaritā honti,
Hatthapadā anassavā;
Yassa so vihatatthāmo,
Kathaṃ dhammaṃ carissati”.
“Tuổi già làm suy yếu,
Tay chân khó dạy biểu,
Người lực kiệt sức cùng,
Lấy chi hành pháp diệu”.
Sau bài kệ, Trưởng giả Mahāpāla nói tiếp:
- Này em! Chí anh đã quyết, dầu em có can gián cách nào, anh cũng quyết định
xuất gia mà thôi.
Thế rồi, bỏ mặc người em kêu gào than khóc, trưởng giả Mahāpāla dứt tình ra đi,
đến chỗ Đức Bổn Sư đang ngự và xin xuất gia nhập đạo nơi Ngài.
Thọ Cụ túc giới xong, vị Tỳ Khưu mới phải ở chung cùng với các vị Đại Đức
Tăng để học tập thu thúc trong thời gian năm hạ. Đến mãn hạ thứ năm, làm lễ Tự Tứ
xong, Tỳ khưu Mahāpāla tìm đến Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài, rồi bạch hỏi rằng:
- Bạch Đức Tôn Sư! Trong tôn giáo của Ngài có bao nhiêu pháp chánh yếu cần
phải hành trì?
- Này Tỳ khưu! Chỉ có hai pháp tất yếu mà thôi, đó là pháp học và pháp hành
vậy.
- Bạch Ngài! Pháp học là sao và pháp hành là thế nào?
- Tùy theo trí tuệ của mình, học hỏi ôn nhuần một hay hai bộ kinh (Nikāya) hoặc
toàn bộ Tam Tạng (Tipiṭaka) ghi chép Phật Ngôn, sau khi đã thành thuộc đem ra đọc
tụng thuyết giảng để giáo hóa chúng sanh, đó gọi là Pháp học (Ganthadhura).
Còn như cam chịu sống cảnh thanh bần đạm bạc (Sallahukavutti) vui thích ở nơi
vắng vẻ hẻo lánh (Pantasenāsanabhirata), ngày đêm hằng nhớ tưởng đến tánh chất vô
thường dị diệt của bản ngã (Attabhavekkayaviya), rồi bền chí kiên gan, hành thiền đắc
Tuệ Minh Sát để dứt trừ phiền não, để chứng bậc Vô sanh (Arahattagahana), đó gọi là
pháp Hành (Vipassanādhura) vậy.
- Bạch hóa Tôn Sư! Đệ tử nay là kẻ cao niên xuất gia (Mahāllakakālepabbajita)
không kham theo đuổi Pháp học cho đến ngày thành tựu hoàn toàn, còn Pháp hành thì
đệ tử còn có thể làm cho kết quả mỹ mãn được. Cúi xin Tôn Sư truyền dạy đề mục
(Kammaṭṭhāna) cho đệ tử.
Thể theo lời thỉnh cầu của Tỳ khưu Mahāpāla, Đức Bổn Sư đã truyền dạy cho
thầy câu thoại đầu (đề mục) để niệm cho đắc quả Vô sanh (A La Hán).
Sau khi đảnh lễ từ tạ Đức Tôn Sư, thầy đi tìm thêm được sáu mươi vị Tỳ khưu
làm bạn đồng tu, rồi cùng nhau cất bước ra đi hành đạo, đi được quãng đường một
trăm hai mươi do tuần (Visayojanasatamagga). Chư Sư đến một thị trấn nhỏ sát biên
giới, Đại đức Mahāpāla hướng dẫn cả đoàn chư Tăng vào đó trì bình khất thực.
Dân chúng trông thấy chư vị Tỳ khưu đầy đủ oai nghi tế hạnh, nên phát sanh
lòng ngưỡng mộ. Họ bảo nhau sắp đặt chỗ ngồi thỉnh chư Tăng an tọa và dâng cúng
vật thực ngon lành, xong mới hỏi rằng:
- Bạch chư Đại đức, chẳng hay các Ngài định đi đâu vậy?
- Này chư thiện nam! Chúng tôi đi tìm một chỗ tiện nghi thuận cảnh.
Nghe đáp như vậy, những vị trí thức trong nhóm người ấy tự nhiên là hiểu biết
chư Tăng đang cần có chỗ để kiết hạ an cư, họ bèn thỉnh khéo rằng:
- Bạch Đại đức Tăng, nếu quý Ngài có thể lưu lại nơi đây nhập hạ ba tháng này,
thì rất tiện bề cho chúng tôi là có được chỗ nương nhờ vững chắc để thọ trì Tam quy
và Ngũ giới.
Chư Tăng cùng nghĩ: “Chúng ta nương nhờ các gia tộc nầy hộ độ, may ra có thể
tu hành siêu xuất ba cõi được chăng?”. Thế nên quý Ngài nhận lời cầu thỉnh.
Nhóm người ấy, sau khi được sự chấp nhận của chư Tăng, liền khởi công xây
dựng một ngôi Tịnh xá kiến tạo các cơ sở cần thiết để chư Tăng tùy nghi sử dụng
trong lúc ban ngày hoặc ban đêm (Rattitthanadivāthānāni), rồi dâng cúng tất cả đến
chư Tăng, chư Tăng chỉ còn việc là hằng ngày ôm bát vào thị trấn nhỏ để khất thực
mà thôi.
Sau khi ấy, có một vị y sĩ tìm đến Tịnh xá, hứa cung tụng chư Tăng về phương
tiện trị liệu thuốc thang. Ông nói: “Bạch Đại đức Tăng! Chỗ nào người ở đông đảo thì
không sao tránh khỏi phát sanh bệnh tật. Vậy nếu trong quý Ngài có vị nào đau yếu,
xin hoan hỷ báo tin cho tôi biết, tôi nguyện sẽ tận tâm chữa trị và cúng dường thuốc
men đến cho quý Ngài dùng”.
Ngài làm lễ nhập hạ an cư, Đại đức Mahāpāla hội các vị Tỳ khưu lại nói rằng:
- Này chư hiền hữu! Trong ba tháng hạ nầy, chư hiền hữu sẽ giữ mấy oai nghi?
- Bạch Ngài! Chúng tôi sẽ giữ hết bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi).
- Nói thế có hợp không, hỡi chư hiền hữu? Chúng ta đương nhiên là chẳng
buông lung giải đãi vì trước khi ra đến tận chỗ nầy, chúng ta đã trọ trì đề mục Minh
sát từ nơi Đức Phật hiện thế và ân huệ của Đức đương kim Đại Giác, chẳng có thể
hưởng được từ một thái độ lưng chừng. Trái lại ta phải có thái độ dứt khoát một lòng
thiết tha vì đạo mới được, vả lại bốn khổ cảnh ác đạo hiện như đang hườm sẵn chờ
người phóng dật, kẻ nào buông lung ắt sẽ về đó như về nhà của mình chẳng sai. Vậy
chư hiền hữu hãy nên tinh cần dũng mãnh.
- Bạch Ngài! Còn Ngài thì sao?
- Về phần tôi, thì tôi nguyện sẽ giữ ba oai nghi, tôi sẽ không đặt lưng nằm xuống
trong ba tháng hạ.
- Sadhu! Lành thay! Bạch Đại đức! Chúng tôi cầu chúc cho Ngài chuyên cần
tinh tấn y như sở nguyện.
Cuối tháng thứ nhất, Đại đức Mahāpāla cảm thấy đôi mắt xốn xang vì sự bỏ
ngủ. Qua tháng thứ hai Ngài bị đau mắt thật sự, từ hai khóe mắt nước mắt cứ chảy
xuống ròng ròng như hai vòi nước tuôn ra từ một cái lu nước lủng. Tuy vậy, Đại đức
vẫn tiếp tục hành thiền Minh sát cả đêm thâu, mãi đến lúc mặt trời sắp rạng, Đại đức
mới vào ngồi tịnh trong cốc.
Khi đến giờ đi bát, các Tỳ khưu đến thỉnh Đại đức:
- Bạch Ngài đã đến giờ đi khất thực.
- Thế thì chư hiền hữu cụ bị y bát sẵn sàng đi.
Nói rồi, Đại đức cũng tự mình đắp y mang bát ra đi, chừng ấy các Tỳ khưu mới
nhận thấy hai mắt của Đại đức ràn rụa nước mắt bèn hỏi:
- Bạch Ngài! Ngài làm sao vậy?
- Này chư hiền hữu, tôi bị gió làm xốn mắt.
- Bạch Ngài! Vị y sĩ lúc nọ đã chẳng hứa lời giúp đỡ trị bệnh chư Tăng hay sao?
Để chúng tôi báo tin cho vị ấy biết.
- Phải đó, chư hiền hữu!
Chư Tỳ khưu báo tin cho vị y sĩ. Vị nầy liền chế một thứ thuốc dầu, gởi chư
Tăng đem về dâng lên Đại đức Mahāpāla, Ngài vẫn giữ oai nghi ngồi mà nhỏ thu